Ngày 15-1, Hải quân Indonesia đã triển khai ít nhất 15 thợ lặn xuống độ sâu 28m để tiếp cận thân máy bay QZ8501 và tìm vớt các thi thể nạn nhân.
Giám đốc Cơ quan Tìm kiếm và Cứu nạn quốc gia Indonesia Bambang Soelistyo cho biết ưu tiên hàng đầu của công tác tìm kiếm cứu nạn là tìm vớt các thi thể nạn nhân. Trước hết, đội tìm kiếm sẽ lặn xuống để xác định sơ bộ số thi thể còn mắc kẹt bên trong thân máy bay, sau đó khoảng 100 thợ lặn sẽ được triển khai thêm.
Trong khi đó, quá trình phân tích các dữ liệu trong 2 hộp đen của máy bay đang được tiến hành nhằm làm rõ nguyên nhân máy bay rơi. Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Tatang Kurniadi thông báo đã tải được dữ liệu về chuyến bay với thời lượng 174 giờ và các trao đổi trong buồng lái có thời lượng 2 giờ 4 phút. Các dữ liệu này phải được chuyển sang định dạng phù hợp trước khi các chuyên gia có thể bắt đầu phân tích.
Theo các chuyên gia hàng không, thiết bị phát sóng định vị khẩn cấp ELT trên máy bay vốn được kích hoạt khi máy bay bị đâm hoặc chìm trong nước đã không hoạt động. Vì vậy, các chuyên gia nhận định có thể cơ trưởng giàu kinh nghiệm đã cố gắng đưa máy bay hạ cánh khẩn cấp trên biển nên máy bay không chịu một lực va đập quá lớn, dẫn tới thiết bị ELT không kích hoạt.
Việt Lê
- Trục vớt hộp đen thứ hai của máy bay AirAsia bị tai nạn