Theo New York Times, hàng loạt vụ tấn công, bắt giữ trong gần 1 tháng qua ở Anh, Australia, Canada và Mỹ, khiến không ít chuyên gia lo ngại tổ chức thánh chiến Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) có ảnh hưởng đến những vụ bạo lực này.
Ám ảnh… sói đơn độc
|
Mới nhất là vụ tấn công tòa nhà Quốc hội Canada và vụ dùng rìu truy sát cảnh sát tại New York, Mỹ. Dù vẫn chưa có bằng chứng cụ thể nào cho thấy những vụ tấn công liên quan đến hành động khủng bố nhưng giới quan sát đã chỉ ra một số điểm chung: các vụ bạo lực trên đều xảy ra sau khi IS đưa ra lời kêu gọi tiến hành các vụ tấn công theo chiến thuật sói đơn độc ở phương Tây và thời gian chỉ là 1 tháng tính từ thời điểm IS bắt đầu khuyến khích người Hồi giáo ở phương Tây thực hiện hành động trả thù.
Theo báo chí Mỹ, trên trang Facebook của Zale Thompson, 32 tuổi, kẻ cầm rìu tấn công cảnh sát ở Mỹ, có hình một người đàn ông mặc trang phục Trung Đông và hình đại diện có những dòng chữ Ảrập. Ngoài ra, Thompson còn có một cuộc trao đổi với một người đàn ông khác về vấn đề khủng bố. Trong khi đó, Michael Zehaf-Bibeau, kẻ thực hiện vụ tấn công tòa nhà Quốc hội Canada, là một người đã cải đạo sang đạo Hồi và từng bày tỏ ý nguyện với mẹ của y là sang Syria để cầm súng chiến đấu. Những dữ kiện này càng làm dư luận ít nhiều tin rằng những cuộc tấn công trên có sự tác động từ phía IS.
Cảnh sát New York họp báo về vụ tấn công của Zale Thompson.
William McCants, một chuyên gia chuyên nghiên cứu về lực lượng thánh chiến Hồi giáo của Viện Brookings, Mỹ, cho rằng nhiều thập kỷ qua, Al-Qaeda đều kích động những người Hồi giáo ở phương Tây tấn công khủng bố, nhưng hầu như không có kết quả. Nhưng với hàng loạt “chiến tích” như chiếm đóng một phần lãnh thổ rộng lớn ở Syria và Iraq, IS dường như đang làm được điều mà Al-Qaeda không thể thực hiện.
Theo một số chuyên gia, chính phương Tây đã tự biến mình trở thành mục tiêu của IS. Mục tiêu ban đầu của IS khác hẳn Al-Qaeda. IS nhấn mạnh về ưu tiên khu vực, tức là chỉ về đấu tranh nội bộ thế giới Ảrập, muốn chiếm đóng vùng lãnh thổ từ Syria đến Iraq chứ không giống Al-Qaeda với mục tiêu xây dựng lực lượng chống lại phương Tây. Tuy nhiên, mục tiêu ban đầu của IS đã thay đổi kể từ sau ngày 21-9 vừa qua, thời điểm Mỹ bắt đầu chiến dịch ném bom tấn công IS.
Nỗi lo vũ khí hóa học
Theo hãng tin DPA (Đức), thông tin về khả năng IS sử dụng vũ khí hóa học đang khiến cộng đồng quốc tế lo ngại. Vấn đề này có thể sẽ được đưa ra thảo luận tại Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc. Đầu tuần qua, nhiều nhân chứng từ thị trấn Kobane của Syria cho biết rất nhiều người dân đã bị khó thở và có những biểu hiện bị trúng khí độc. Trong khi đó, tháng trước, 11 sĩ quan cảnh sát Iraq đã được đưa vào bệnh viện cấp cứu do xuất hiện triệu chứng chóng mặt, nôn và hụt hơi. Chẩn đoán cho biết những người này là nạn nhân của một vụ nhiễm độc khí. Giới chức Iraq cáo buộc các phiến quân IS đã sử dụng khí độc Clo trong cuộc giao tranh với lực lượng an ninh nước này và dân quân Hồi giáo dòng Shiite ở miền Bắc Iraq.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết ông hiện chưa thể đưa ra bất cứ khẳng định nào đối với báo cáo về việc IS sử dụng khí Clo để đối phó với cảnh sát Iraq. Tuy nhiên, ông Kerry nhấn mạnh đây là những cáo buộc nghiêm trọng và Washington đang tìm kiếm thêm thông tin để có thể xác minh vấn đề này. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nêu rõ thông tin trên có thể sẽ ảnh hưởng đến một số quyết định về mặt chiến thuật song sẽ không làm thay đổi chiến lược của Washington trong việc tiêu diệt IS.
ĐỖ CAO (tổng hợp)