Ninh Thuận là tỉnh ven biển thuộc vùng duyên hải Nam Trung bộ, có bờ biển dài hơn 100km, nước biển có độ mặn cao, năng lượng bức xạ lớn, nhiều nắng gió… Đó là những đặc điểm tạo cho Ninh Thuận hàng trăm năm nay trở thành vùng sản xuất muối quy mô lớn nhất nước. Ấy thế nhưng nhiều năm qua, đời sống diêm dân rất bấp bênh. Để nghề muối phát triển bền vững, mới đây tỉnh Ninh Thuận đã mạnh dạn đổi mới cách nghĩ, cách làm muối.
Ứng dụng công nghệ mới
Về Ninh Thuận, thủ phủ của muối những ngày này, chúng tôi nghe một thông tin gây sốc: Đồng muối Cà Ná hơn 100 năm tuổi sắp trở thành khu công nghiệp. Đối với những ai đã gắn bó với Ninh Thuận, không khỏi đặt câu hỏi: Đồng muối Cà Ná không còn, hàng trăm hộ diêm dân đi đâu?
Gặp anh Trần Xuân Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, anh cho biết: “Đúng là Cà Ná đã được Chính phủ phê duyệt trở thành khu công nghiệp. Vì sau khi tính toán, một khu công nghiệp Cà Ná sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn một đồng muối Cà Ná đã già cỗi. Trừ Cà Ná, hiện tổng diện tích làm muối trên toàn tỉnh kể cả quy hoạch khoảng 4.500ha, trong đó có 2.000ha làm muối hiện hữu, đủ cung cấp 40% muối cho cả nước.
UBND tỉnh đã có phương án giải quyết việc làm cho các hộ diêm dân ở đây bằng các hình thức, mô hình sản xuất tiên tiến hơn, như liên minh làm muối giữa doanh nghiệp và diêm dân, trong đó doanh nghiệp làm hạt nhân, giúp diêm dân vốn, công nghệ sản xuất muối chất lượng cao, bao tiêu sản phẩm. Do vậy bà con diêm dân chớ lo”.
Quả thực để nghề muối đi lên cần có một tư duy mới, một luồng gió mới thổi vào nghề muối địa phương. Nếu vẫn cách làm muối thủ công, cho nước biển vào ruộng để kết tinh muối trên đất, kết tinh ngắn ngày, sản phẩm muối sẽ có nhiều tạp chất, chất lượng không cao. Nghề muối không kém gì nghề trồng lúa, trông chờ vào thiên nhiên. Năm nào nắng đều sản lượng mới khá, nếu mưa nhiều mất vụ muối như chơi.
Để giải quyết tình trạng bấp bênh đó, tỉnh Ninh Thuận đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu ngành muối theo hướng tăng dần tỷ trọng muối công nghiệp. Đột phá đầu tiên phải kể đến việc triển khai dự án Khu kinh tế muối công nghiệp và xuất khẩu Quán Thẻ, quy mô hơn 3.000ha cùng dự án Khu liên hợp chế biến các sản phẩm muối cao cấp và muối iốt quy mô 40ha của Công ty TNHH Đầu tư phát triển sản xuất Hạ Long.
Hai dự án này khởi công từ năm 2009 với số vốn đầu tư 340 tỷ đồng, đến nay đã đưa hơn 500ha khu phía Đông đồng muối Quán Thẻ vào sản xuất muối công nghiệp, đạt gần 20.000 tấn muối công nghiệp/năm. Song song đó, dây chuyền sản xuất muối cao cấp và muối iốt công suất 100.000 tấn/năm đi vào hoạt động ổn định, bước đầu sản xuất 16.000 tấn muối tinh/năm. Hạt muối của công ty trắng trong, đạt các tiêu chuẩn lý, hóa, không thua kém muối nước ngoài.
Ông Nguyễn Đức Phấn, Phó Giám đốc Công ty TNHH Hạ Long, cho biết: “Năm nay công ty có kế hoạch sản xuất 30.000 tấn muối công nghiệp và chế biến 25.000 tấn muối tinh đưa ra thị trường. Dự kiến, sau khi đưa khu phía Tây đồng muối Quán Thẻ vào sản xuất, công ty sẽ thu nhận thêm 900 lao động nữa, nâng số lao động của công ty lên 1.200 người”.
Tiếp theo đó, nhiều doanh nghiệp sản xuất muối của tỉnh như Công ty cổ phần muối Ninh Thuận, Công ty TNHH muối Đầm Vua cũng đầu tư kỹ thuật mới, triển khai công nghệ trải bạt, che mưa để sản xuất muối theo hướng hiện đại, kết tinh dài ngày, vừa có năng suất cao, chất lượng lại hiệu quả. Đến nay, Công ty cổ phần muối Ninh Thuận đã đầu tư 15 tỷ đồng ứng dụng công nghệ trải bạt với diện tích gần 10ha tại đồng muối Tri Hải và đã sản xuất được hơn 1.000 tấn muối chất lượng cao.
Hiệu quả từ công nghệ làm muối tiên tiến của các doanh nghiệp đã tác động tích cực đến diện mạo nghề muối trong tỉnh. Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư Ninh Thuận đã triển khai mô hình sản xuất muối sạch bằng phương pháp trải bạt trên nền ô kết tinh tại xã Tri Hải, huyện Ninh Hải, thu hút được nhiều hộ diêm dân tham gia.
Qua mô hình này, chất lượng muối được nâng cao; năng suất tăng thêm 15% và giá tiêu thụ cao hơn 10% so với cách sản xuất truyền thống của diêm dân địa phương. Từ kết quả trên, nhiều hộ diêm dân trong tỉnh đã tự đầu tư hàng trăm triệu đồng để sản xuất muối theo mô hình tiên tiến này.
Liên minh sản xuất muối
Muốn phát triển bền vững nghề muối, chính diêm dân phải dũng cảm từ bỏ cách làm muối thủ công và sớm đầu tư công nghệ mới nhưng việc này liên quan đến nguồn vốn vì trung bình đầu tư công nghệ trải bạt cho 1ha sản xuất muối phải chi phí ít nhất 500 triệu đồng. Diêm dân đa phần nghèo, rất khó tìm được nguồn vốn cao như vậy.
Do đó, ngoài các chính sách hỗ trợ vốn để diêm dân chuyển đổi sản xuất thì mô hình liên minh cũng cần được triển khai, trong đó diêm dân có thể góp đất, góp vốn tùy theo khả năng của mình để trở thành các cổ đông, công nhân muối công nghiệp…
“Trong tương lai, chúng tôi dự kiến mở rộng diện tích ở huyện Thuận Nam và xây dựng liên minh làm muối. Liên minh này có doanh nghiệp và hợp tác xã trên cơ sở tự nguyện, trong đó doanh nghiệp làm hạt nhân. Liên minh sẽ hoạt động ở các xã Phước Nam, Phước Minh huyện Thuận Nam với diện tích 1.064ha, trong đó Công ty Hạ Long sử dụng 500ha sản xuất, còn lại 594ha là của hợp tác xã, sản phẩm sẽ được doanh nghiệp Hạ Long bao tiêu. Ngoài ra, Công ty Hạ Long còn hỗ trợ hợp tác xã về kỹ thuật, vốn sản xuất. Đây là mô hình tốt cho doanh nghiệp và người dân, tạo liên minh sản xuất, tiêu thụ bền vững, nhân dân làm giàu trên tư liệu sản xuất của họ”, ông Trần Xuân Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, cho biết.
Bài toán nghề muối ở Ninh Thuận đã được đặt ra. Vấn đề là các điều kiện cần và đủ sẽ được lập trình như thế nào?
Hồng Hải