Phản hồi loạt bài Nỗi khổ nhà đất

Cách nào tháo gỡ hàng trăm dự án treo, hàng ngàn sổ đỏ chậm?

Sau loạt bài Nỗi khổ nhà đất (đăng báo SGGP từ ngày 2 đến 4-10), phóng viên Báo SGGP đã gặp gỡ lãnh đạo các sở chức năng để tìm lời giải cho bài toán khó này.

Ông NGUYỄN THANH TOÀN, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc (QHKT): Pháp luật còn nhiều bất cập

Nhiều người vẫn nhầm lẫn giữa “quy hoạch treo” với “dự án treo”. Quy hoạch vốn không treo, vì quy hoạch là định hướng lâu dài về chức năng sử dụng đất. Tuy nhiên, hoạt động quy hoạch hiện nay bị khống chế, chi phối bởi các luật quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng. Nguyên tắc quy hoạch phải đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, sau khi xác định chủ đầu tư phải công bố công khai cho người dân.
Hiện TPHCM có 600 quy hoạch phân khu trong tổng 93.000ha đất đô thị. Thông tin quy hoạch đã được công khai trên trang web Trung tâm Thông tin quy hoạch của Sở QHKT TPHCM và tháng 12 này sẽ công bố bằng smartphone. Cứ 5 năm, Sở QHKT sẽ rà soát, nếu đúng thì vẫn tiến hành theo quy trình, nếu phát hiện bất cập sẽ điều chỉnh. 
Còn về dự án đầu tư là khi đã có quy hoạch phân khu thì mới ghi vốn, xác định chủ đầu tư, khi đó phải xác định thời gian, tiến độ, nhưng do nhiều dự án chủ đầu tư không đền bù được, không triển khai đúng tiến độ, khi đó quy trách nhiệm của chủ đầu tư. Thời gian thực hiện dự án là 3 năm, cả thời gian kéo dài cũng không quá 5 năm.
Tuy nhiên, đối với một số dự án phúc lợi xã hội như công viên, trường học… thường không tìm được nhà đầu tư, mà ngân sách hạn chế, dẫn đến kéo dài từ nhiệm kỳ này qua nhiệm kỳ khác. Đó gọi là “dự án treo”. Bất cập hiện nay là người dân bị hạn chế các quyền khi rơi vào quy hoạch (bán không được, thế chấp không được, tách thửa không được, xây dựng bị hạn chế…), do vậy, người dân phản ứng là đúng. Việc quá 5 năm vẫn không xóa dự án treo thì trách nhiệm do Sở Tài nguyên và Môi trường - đơn vị có trách nhiệm kiểm soát tham mưu cho UBND TP về dự án.
Cách nào tháo gỡ hàng trăm dự án treo, hàng ngàn sổ đỏ chậm? ảnh 1  Tại khu phố 3, phường Đông Hưng Thuận, quận 12, TPHCM, chủ đầu tư làm sai quy hoạch nên người dân không làm được giấy tờ, còn một số hộ đã hơn chục năm qua không được phép xây nhà

Ông NGUYỄN TOÀN THẮNG, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT): Sẽ “tháo” ngay  các dự án treo

Việc xóa dự án chậm triển khai (gọi là dự án treo) đã được TP liên tục rà soát, xử lý. Cụ thể, giai đoạn 2001-2010 đã rà soát hơn 1.200 dự án và đã thu hồi trên 500 dự án. Giai đoạn 2011-2015 rà soát 1.135 dự án, hiện có khoảng 200 dự án có dấu hiệu kéo dài, sẽ đề xuất thu hồi. Nếu dự án kéo dài mà công tác giải phóng mặt bằng chưa hoàn thành (không bị da beo) thì đề xuất điều chỉnh ranh, điều chỉnh các chỉ tiêu xây dựng, đảm bảo hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Khi đó, phần đã điều chỉnh ra ngoài dự án thì trả lại quyền lợi cho người dân. 
Về trường hợp dự án chậm cấp giấy chứng nhận (GCN), đối với những dự án bị chủ đầu tư mang thế chấp ngân hàng thì phối hợp Ngân hàng Nhà nước giải chấp dự án để cấp giấy cho người dân và xử lý chủ dự án về hành vi chậm cấp GCN. Nếu chủ dự án không có tiền thì rà soát những dự án mà chủ đầu tư có tài khoản để phong tỏa tài khoản, hoặc xử lý giải chấp các tầng thương mại dịch vụ (trước đây chủ đầu tư giữ lại) để thanh toán cho ngân hàng giải chấp dự án, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người dân.
Còn đối với những dự án tư nhân, xây nửa chừng giờ không thực hiện tiếp thì thanh tra xây dựng căn cứ vào Luật Nhà ở - có quy định ngày khởi công, ngày hoàn thành - để kiểm tra công trình xây dựng, nếu chậm thì xử phạt.
Đối với dự án chậm triển khai, chậm tiến độ theo nhật ký công trình thì phải xem lại năng lực chủ đầu tư, nếu chủ đầu tư không có khả năng thực hiện thì chuyển cho chủ đầu tư khác tiếp tục thực hiện dự án. Tuy nhiên, cũng lưu ý người dân nên xem xét cẩn trọng khi ký kết hợp đồng đầu tư góp vốn vào các dự án. 
Còn những hồ sơ chậm cấp GCN cho dân, do trước đây luật quy định chuyển giao cho Sở TN-MT ký nên bị ùn ứ, thì sở đang phối hợp với các quận - huyện xử lý rốt ráo cho bà con. Từ tháng này, Sở TN-MT áp dụng quy chế phối hợp với các quận - huyện trong giải quyết các thủ tục, để đẩy nhanh tiến độ xử lý hồ sơ cấp GCN cho dân.

Luật sư TRẦN HẢI ĐỨC, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Á Châu: Dân có quyền khởi kiện yêu cầu xóa dự án treo

Trước thực trạng nhiều dự án kéo dài hàng chục năm, người dân có quyền khởi kiện chính quyền không thực hiện xóa quy hoạch, làm ảnh hưởng quyền lợi của mình. Bởi theo quy định của Luật Đất đai, việc thực hiện dự án (kể cả thời gian kéo dài) không quá 5 năm. 
Theo luật định, chính quyền địa phương phải có trách nhiệm xem xét khả năng đầu tư, huy động nguồn lực để thực hiện kế hoạch sử dụng đất. Khoản 2 Điều 49 Luật Đất đai quy định “trường hợp quy hoạch sử dụng đất đã được công bố mà chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện, thì người sử dụng đất được tiếp tục sử dụng và được thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định pháp luật.
Phản hồi bài Gian nan xin sổ đỏ (trong loạt bài Nỗi khổ nhà đất) đăng trên báo SGGP ngày 2-10, Sở Nội vụ TPHCM có Công văn số 3978 yêu cầu về việc giải trình các nội dung có liên quan đến công tác cải cách hành chính. Nội dung công văn nêu rõ: Đề nghị Giám đốc Sở TN-MT kiểm tra, rà soát các nội dung Báo SGGP phản ánh và báo cáo về UBND TP (thông qua Sở Nội vụ) trước ngày 6-10 để tổng hợp báo cáo Ban chỉ đạo Cải cách hành chính TP và Chủ tịch UBND TPHCM. 
KIM HUYỀN
Trường hợp đã có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện, thì người sử dụng đất trong khu vực phải chuyển mục đích sử dụng đất và thu hồi đất theo kế hoạch, được tiếp tục thực hiện các quyền của người sử dụng đất nhưng không được xây dựng mới nhà ở, công trình, trồng cây lâu năm; nếu người sử dụng đất có nhu cầu cải tạo, sửa chữa nhà ở, công trình hiện có thì phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định của pháp luật”.
Còn khoản 3 quy định rằng, diện tích đất ghi trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được công bố phải thu hồi để thực hiện dự án, hoặc phải chuyển mục đích sử dụng đất, mà sau 3 năm chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất phải điều chỉnh, hủy bỏ và phải công bố việc điều chỉnh, hủy bỏ hoặc chuyển mục đích đối với phần diện tích đất ghi trong kế hoạch sử dụng đất.
Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất không điều chỉnh, hủy bỏ hoặc có điều chỉnh, hủy bỏ nhưng không công bố, thì người sử dụng đất không bị hạn chế về quyền theo quy định tại khoản 2 Điều 49. Như vậy, nếu quá 5 năm mà dự án không thực hiện, ngay cả khi chính quyền không hủy bỏ dự án “treo” thì quyền lợi người dân đương nhiên được phục hồi.

Tin cùng chuyên mục