Bước ngoặt cuộc đời Sharma bắt đầu từ một lần cô thăm khu bỏng của một bệnh viện để thu thập tư liệu làm phim về những người sống sót sau các vụ tấn công acid. Đây là một dự án của trường đại học ở Anh quốc và Ria Sharma - khi ấy 21 tuổi - đã bắt gặp cảnh tượng kinh hoàng trong phòng cấp cứu các nạn nhân bị tạt acid. Trong khoảnh khắc đó, cô biết rằng bộ phim của mình sẽ không tạo ra một sự thay đổi khả dĩ nào cho cuộc sống của các nạn nhân. Ngày hôm sau, Sharma từ bỏ ý tưởng làm phim tài liệu. Thay vào đó, cô đăng ký với một tổ chức phi chính phủ để hỗ trợ các nạn nhân bị bỏng acid.
Cách cô chọn con đường dấn thân này khiến không ít người ngạc nhiên bởi cô sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu có, ít khi tự làm việc nặng. Ngay cả khi còn là một sinh viên thời trang tại Vương quốc Anh, cô đã từng bị cảnh báo về điểm kém. Nhà trường đã tổ chức thảo luận một số vấn đề có thể thu hút sự quan tâm của Sharma. Một trong những vấn đề đó là vụ hiếp dâm tập thể ở Delhi năm 2012. Cô bắt đầu nghiên cứu về nạn bạo hành đối với phụ nữ Ấn Độ và chuyến đi đến bệnh viện nói trên đã thật sự làm thay đổi quan điểm của cô. Dự án phim tài liệu mang tên Make Love Not Scars cũng đã trở thành tên một tổ chức phi chính phủ do Ria Sharma sáng lập ở Delhi năm 2014. Một phòng khám phục hồi chức năng cho các nạn nhân này đã được mở và trở thành phòng khám đầu tiên của Ấn Độ. Ngoài ra, Sharma còn gây quỹ cho quá trình điều trị và thiết lập một cổng thông tin việc làm để giúp các nạn nhân tiếp tục cuộc sống.
Ở Ấn Độ, mỗi năm có khoảng 250 đến 300 trường hợp bị tạt acid. Tuy nhiên, theo Channel NewsAsia, con số thực tế có thể cao hơn nhiều lần. Cho đến nay, Make Love Not Scars của Sharma đã giúp đỡ và phục hồi chức năng cho hơn 100 nạn nhân. Trung tâm cũng đã trở thành ngôi nhà an toàn cho các nạn nhân, nơi họ có thể tới bất cứ khi nào. Bên cạnh việc cung cấp nơi trú ẩn, tổ chức phi chính phủ này còn đang giúp đỡ những người sống sót học tiếng Anh, máy tính… để có thể tìm việc, để giúp họ trở nên độc lập, ý thức về các mục tiêu, tái hòa nhập cuộc sống xã hội. Make Make Not Scars tồn tại để các nạn nhân bị tạt acid thấy rằng, cuộc đời vẫn mở cho họ nhiều con đường sống có ích.
Ria Sharma, năm nay 26 tuổi, đã giành được Giải thưởng Tác động xã hội của Hội đồng Anh tại Ấn Độ, Giải thưởng Dịch vụ công cộng của Phụ nữ Ấn Độ ngày nay và trở thành người Ấn Độ đầu tiên nhận Giải thưởng Người nắm giữ mục tiêu toàn cầu của LHQ dành cho các nhà hoạt động xuất sắc có tầm ảnh hưởng đến cuộc sống của mọi người… Nói về việc làm của mình, Sharma cho rằng: “Những người sống sót đã cho tôi nhiều hơn những gì tôi cho họ. Họ đã cứu tôi khỏi một cuộc sống hời hợt, cứ tưởng mình là trung tâm”.