Nôn trớ là triệu chứng hay gặp ở trẻ nhỏ, là hiện tượng thức ăn trong dạ dày bị đẩy lên thực quản rồi trào ra miệng. Nôn trớ có thể lành tính, tự khỏi khi trẻ lớn hơn nhưng có khi là biểu hiện của những bệnh lý tiêu hóa như trào ngược dạ dày thực quản, bệnh lý đường hô hấp hay bệnh lý toàn thân...
Khi trẻ nôn trớ, cha mẹ nên xem trẻ có những biểu hiện nào kèm theo không, ví dụ như sốt hay tiêu lỏng, ho, hay sổ mũi, phát ban… Nôn trớ đơn thuần thường liên quan đến ăn uống do ép trẻ ăn quá nhiều, bú quá no, nằm liền sau khi bú, hoặc không dung nạp thức ăn hoặc bắt đầu ăn bổ sung với thức ăn mới lạ, hoặc ăn nhiều quá một loại thức ăn nào đó. Nôn thường xuất hiện sớm, số lượng chất nôn ít, chủ yếu là thức ăn. Trẻ vẫn chơi bình thường, không ảnh hưởng đến tình trạng cơ thể. Do vậy, chỉ cần điều chỉnh cách cho ăn. Không ép trẻ ăn nhiều làm trẻ sợ khi nhìn thấy thức ăn. Với loại thức ăn mới nên cho ăn từ ít đến nhiều, từ lỏng đến đặc, chia làm nhiều bữa nhỏ trong ngày. Ở những trẻ bú mẹ thì sau khi bú xong nên bế trẻ 10 - 15 phút rồi mới đặt trẻ nằm. Khi cho trẻ bú bình, lưu ý sao cho sữa ngập núm vú bình để tránh nuốt không khí vào dạ dày.
Nôn do bệnh tật hay gặp trong các bệnh nhiễm khuẩn tiêu chảy, viêm mũi họng, viêm phổi, viêm màng não và một số bệnh ngoại khoa như lồng ruột, tắc ruột, viêm ruột non hoại tử... Trẻ nôn đột ngột và kèm theo các triệu chứng đặc hiệu của từng bệnh. Cần đưa trẻ đến khám ở cơ sở y tế để xử trí kịp thời. Khi bé nôn nhiều cũng giống như đi tiêu lỏng, bé sẽ mất một lượng nước khá lớn. Do đó, quan trọng là phải bổ sung lượng nước đã mất để cơ thể bé không mất chất điện giải. Tại nhà có thể dùng dung dịch Oresol, nước chín hay nước trái cây loãng.
Khi bé nôn nhiều, đừng cố cho bé tiếp tục uống mà cần thực hiện các biện pháp sau: Để bé nằm nghiêng hoặc đỡ bé ngồi dậy đề phòng khi bé nôn, chất nôn sẽ tràn vào khí quản gây sặc rất nguy hiểm; chờ cho bé bớt nôn trớ, cho uống một lượng nhỏ nước chín hoặc dung dịch Oresol, bé bị mất nước nhiều nên sẽ khát, khi đưa nước bé sẽ có khuynh hướng uống nhiều, sau đó sẽ nôn thốc tháo, do đó nên cho uống bằng muỗng nhỏ hoặc từng ngụm một. Nếu bé tiếp tục nôn nhiều, nên đưa bé đi khám.
Trường hợp trẻ nôn trớ kéo dài hoặc nôn do bệnh lý mà trẻ có biểu hiện các triệu chứng sốt, đau bụng, lơ mơ, co giật, hay nôn ói liên tục, có dấu hiệu mất nước như: miệng khô, ít nước mắt, tiểu ít,... thì cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được chữa trị kịp thời. Trường hợp trẻ bị sặc, đừng cố lấy tay móc thức ăn hay chất nôn ra, mà đứng sau lưng trẻ, quàng 2 tay ra ôm lấy bụng trẻ và ấn mạnh vào, áp lực mạnh sẽ làm trẻ nôn ói ra dị vật đường thở. Ở trẻ nhỏ hơn nên để nằm sấp trên đùi và vỗ mạnh vào lưng trẻ. Sau khi tống chất nôn ói ra, nếu bé còn mệt thì nên đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất.
BS.CK2 NGUYỄN THỊ THANH (BV Nhi đồng 2 TPHCM)