Cái giá phải trả

Những ngày cuối tháng 3, Thái Lan chứng kiến một trận lũ lớn xảy ra tại 10 trên 77 tỉnh, khiến 53 người thiệt mạng, gần 1 triệu người dân bị cô lập, phá hủy hàng trăm ngàn nhà cửa và gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp. Đầu tháng 4, Brazil, Colombia hứng chịu đợt lũ lụt nghiêm trọng. Chính quyền Brazil buộc phải ban bố tình trạng khẩn cấp tại 55 bang sau khi lũ lụt và đất chuồi làm hơn 20 người thiệt mạng. Ở Colombia, những trận mưa như trút nước gây lũ lụt đã làm thiệt hại 5,2 tỷ USD cho nền kinh tế.

Chỉ trong vòng 4 ngày, từ 15-4 đến ngày 18-4, cuộc sống của 270.000 người ở Quý Châu bị đảo lộn do những trận mưa đá bất thường liên tục trút xuống tại nhiều tỉnh Trung Quốc. Ít nhất 18 người thiệt mạng, hơn 155 người bị thương. Thiệt hại kinh tế ước tính hơn 25 triệu USD. Cũng trung tuần tháng 4, hơn 200 trận bão cùng lốc xoáy lớn ở Mỹ đã cướp đi sinh mạng của 45 người dân tại 14 bang thuộc vùng Đông Nam…

Có thể thấy, khi cả thế giới chưa hết bàng hoàng vì sự tàn phá khủng khiếp trong thảm họa kép ở Nhật Bản thì trong những ngày đầu tháng 4, nhiều quốc gia cũng bị ảnh hưởng nặng nề từ các đợt thiên tai liên tiếp. Không chỉ thời gian gần đây mà đã từ khá lâu, những diễn biến bất thường của thời tiết ngày càng cho thấy thế giới đang phải “trả giá” cho việc tiếp tục coi nhẹ tầm quan trọng của môi trường sống, cố tình phớt lờ việc cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, thay vào đó chỉ chăm chăm phát triển kinh tế.

Chỉ tính riêng năm ngoái, số người thiệt mạng do các thảm họa tự nhiên đã lên tới hơn 300.000 người. Đây là số người thiệt mạng cao nhất do thảm họa thiên nhiên trong hơn một thập kỷ trở lại đây.

Theo các tính toán khoa học, khí hậu Trái đất đang nóng lên từng ngày. Đây cũng chính đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thời tiết khắc nghiệt trái mùa, nắng nóng kỷ lục và lũ lụt, bão tuyết bất thường. Các chuyên gia khẳng định, không ai khác, chính con người là thủ phạm gây ra tình trạng ấm lên toàn cầu.

Giải pháp để bảo vệ môi trường cũng đã có nhiều nhưng thực sự chưa được áp dụng một cách rộng rãi, đồng bộ và hiệu quả. Các nhà khoa học Anh kêu gọi thế giới cần có một hệ thống quan trắc tốt hơn nữa để có thể cảnh báo sớm về tình trạng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, đồng thời khuyến khích các quốc gia xóa bỏ mọi bất đồng để theo đuổi mục tiêu cắt giảm khí thải.

Mạng lưới quan trắc khí hậu của thế giới hiện đang rất “hạn chế” và cần phải có một hệ thống tốt hơn nữa để có thể đưa ra những cảnh báo sớm về những “ngưỡng nguy hiểm” của sự biến đổi khí hậu trên Trái đất. Các số liệu thu thập cũng sẽ được sử dụng để xác minh báo cáo của các nước về nỗ lực giảm lượng khí thải CO2 như đã cam kết trong Nghị định thư Kyoto và có thể là một văn bản thay thế khác mà các nước dự kiến sẽ ký kết vào năm 2012.

Các chuyên gia khí hậu nhận định, chừng nào bất đồng lớn nhất giữa các nước giàu và nước nghèo trong tỷ lệ cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính còn chưa được xóa bỏ thì việc Trái đất tiếp tục phải hứng thảm họa thiên tai là điều không thể tránh khỏi.

Thanh Hằng

Tin cùng chuyên mục