Đã 21 tháng kể từ khi Syria rơi vào các cuộc xung đột vũ trang giữa chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad với lực lượng đối lập. Các bên đã thử biết bao nỗ lực ngoại giao để tìm giải pháp chính trị nhưng cho tới nay vẫn chưa có kết quả. Nhà trung gian hòa giải, cựu Tổng thư ký LHQ Kofi Annan và giờ đây đến lượt ông Lakhdar Brahimi đang rơi vào tình thế bế tắc.
Trong tuần qua, đã có nhiều thông tin từ các hãng tin phương Tây cho rằng sau cuộc họp giữa Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov với người đồng cấp Mỹ William Burns, hai bên đạt thỏa thuận “dọn đường để Tổng thống Assad ra đi”, tiến tới giải pháp chính trị tại Syria.
Mặt khác, cũng các hãng tin này cho biết Mỹ và nhiều nước đang dồn quân và khí tài tới xung quanh Syria để sẵn sàng cho một cuộc can thiệp quân sự một khi Tổng thống Assad sử dụng “vũ khí hóa học”. Điều mà giới phân tích cho rằng một kịch bản tương tự như Iraq đang tái diễn khi Mỹ và đồng minh cáo buộc Tổng thống Iraq Saddam Hussein “có vũ khí hóa học và hạt nhân”.
Thế nhưng, các phương tiện truyền thông Nga đều dẫn lời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tái khẳng định Nga không xem xét bất kỳ kế hoạch nào liên quan đến việc từ chức của Tổng thống Assad. Ông Lavrov khẳng định Nga từ trước tới nay chỉ muốn tìm giải pháp chính trị cho Syria chứ không hoàn toàn bảo vệ Tổng thống Assad, chuyện đi hay ở của ông này là do nhân dân Syria quyết định chứ không phải do bên ngoài. Những ai thông tin về việc Nga ủng hộ Tổng thống Assad là nhằm phục vụ cho mục đích riêng của họ. Nga còn cho rằng nếu vũ khí hóa học của Syria rơi vào tay lực lượng đối lập thì điều đó càng nguy hiểm hơn.
Vậy, để giải quyết vấn đề Syria, giải pháp can thiệp quân sự hay ngoại giao sẽ thắng thế? Các nhà phân tích Mỹ cho rằng một cuộc can thiệp quân sự Mỹ vào lúc này sẽ là một cái giá quá đắt khi bài học tại Iraq và Afghanistan chưa ráo mực. Đổ máu sẽ nối tiếp đổ máu. Có thể chính vì điều này mà Mỹ và đồng minh vẫn chưa từ bỏ giải pháp ngoại giao. Tất nhiên là mọi giải pháp ngoại giao của Mỹ và đồng minh đều hướng đến loại bỏ Tổng thống Assad, hoàn toàn lý tưởng vì không tốn kém khí tài hay binh sĩ mà vẫn hạ được đối thủ.
Xem ra điều này khó xảy ra. Vậy thì cho đến lúc này, giải pháp ngoại giao của Mỹ và đồng minh là cách có thêm thời gian để quân đối lập mạnh hơn và đoàn kết hơn, đồng thời Mỹ và phương Tây sẽ chuẩn bị phương án quân sự kỹ hơn. Một khi điều kiện cần và đủ đã có, Mỹ và đồng minh sẽ can thiệp quân sự vào Syria với lý do “Syria sử dụng vũ khí hóa học”. Cho tới ngày 7-12, theo các mạng tin tình báo, Mỹ có 17 tàu chiến, 70 máy bay ném bom và 10.000 binh sĩ đồn trú gần Syria. Nhìn vào lực lượng trên, có thể thấy máy bay ném bom, tên lửa và pháo bắn từ biển chiếm ưu thế.
Do đó, nhiều khả năng sẽ không có một cuộc đổ bộ mà chỉ là một cuộc không kích yểm trợ lực lượng đối lập, kiểu lật đổ ông Gaddafi tại Libya trước đây. Cũng không loại trừ sẽ có một vùng cấm bay tương tự ở Libya. Còn chuyện dùng bộ binh để ngăn không cho Syria “sử dụng vũ khí hóa học” có lẽ chỉ dừng lại ở mức đe dọa và tạo cớ can thiệp.
THỤY VŨ