Cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng - Đối tượng nào được hỗ trợ chi phí?

Cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng - Đối tượng nào được hỗ trợ chi phí?

TPHCM đang dự thảo chương trình thí điểm cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng ở TPHCM, dự kiến triển khai vào quý 3-2011. Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM (ảnh), giải đáp một số vấn đề mà phóng viên và bạn đọc đặt ra về nội dung chương trình, phương án cai nghiện ma túy sẽ được áp dụng.

° Phóng viên: Thưa ông, dự thảo chương trình CNMT tại gia đình và cộng đồng có điểm gì mới?

° Ông NGUYỄN VĂN MINH: Chương trình này dự kiến có 4 mô hình cai nghiện và người nghiện lẫn gia đình có thể lựa chọn một trong 4 phương án này. Thứ nhất, cai nghiện tự nguyện tại gia đình (đối tượng cư trú tại cộng đồng tự giác khai báo và tự nguyện đăng ký cai nghiện tại gia - không bắt buộc). Nếu chọn mô hình này, gia đình tự tổ chức cắt cơn hoặc đưa người thân đến trạm y tế phường, xã hoặc trung tâm y tế, cơ sở y tế để thực hiện cắt cơn. Thứ hai, nhà nước và nhân dân cùng làm (có thu phí cai nghiện); thứ ba, cai nghiện tại cộng đồng (mô hình này sẽ lựa chọn hai phường ở quận nội thành để thực hiện). Cuối cùng là cai nghiện tập trung.

° Đối tượng nào được hỗ trợ kinh phí điều trị cắt cơn và các chi phí khác?

° Theo quy định của Nghị định 94/2010/NĐ-CP, các đối tượng thuộc hộ nghèo, gia đình chính sách có công, diện bảo trợ xã hội được hỗ trợ một lần tiền thuốc điều trị cắt cơn nghiện và những đối tượng này nếu đi cai nghiện bắt buộc cũng được hỗ trợ tiền thuốc điều trị cắt cơn, tiền ăn trong thời gian cai nghiện.

° Sau khi cai nghiện ma túy (CNMT) bắt buộc, con tôi trở về nhà theo chương trình tái hòa nhập cộng đồng. Thế nhưng, chỉ được một thời gian đầu cháu ngoan ngoãn, nghe lời gia đình và chính quyền địa phương. Gần đây, cháu nghiện ma túy trở lại và hay quậy phá gia đình, bà con lối xóm. Gia đình chúng tôi rất muốn đưa cháu trở lại trung tâm CNMT có được không, thủ tục ra sao? (Một phụ huynh ở quận 12).

° Trong trường hợp con bà bị tái nghiện, bà báo cáo sự việc cho công an phường biết để được lập hồ sơ đưa người nghiện đi CNMT theo Nghị định 135/CP của Chính phủ. Thời gian vừa qua, các trung tâm CNMT đã tiếp nhận trở lại trên 1.600 trường hợp tái nghiện ma túy sau khi trở về địa phương theo chương trình tái hòa nhập cộng đồng.

° Con tôi tái nghiện và tình trạng nặng hơn. Nếu chọn phương pháp cai nghiện bằng thuốc methadone, gia đình tôi có phải thanh toán chi phí? (bà Nguyễn Thị Anh, đường Cộng Hòa, Q. Tân Bình).

° Nếu người nghiện ma túy ở TPHCM đã trải qua 2 giai đoạn CNMT tập trung mà vẫn tái nghiện, nặng đô hơn thì được hỗ trợ điều trị miễn phí bằng methadone với điều kiện nhân cách tốt, không vi phạm pháp luật. Riêng những đối tượng nghiện bị nhiễm HIV thì gia đình nên đưa đến trung tâm tham vấn ma túy tại cộng đồng để được điều trị bằng ARV.

Hướng tới việc chuyên nghiệp hóa cai nghiện ma túy

Theo Sở LĐTB-XH TPHCM, hiện TP có khoảng 7.500 người nghiện ma túy đang được cai nghiện tại các trung tâm CNMT trực thuộc Sở LĐTB-XH, Lực lượng TNXP TP, trong số này người nghiện ma túy thuộc diện lang thang chiếm trên 42%.

So với trước đây, khi TPHCM thực hiện chương trình CNMT bắt buộc, tỷ lệ người nghiện ma túy đưa vào trung tâm giảm khá nhiều. Trước khi thực hiện Nghị quyết 16 của Quốc hội vào năm 2003, TPHCM đã đưa 30.000 người nghiện đi CNMT tập trung (bình quân đưa 5.000 - 7.000 người/năm).

Từ năm 2006 đến nay, mỗi năm chỉ đưa khoảng 2.000 - 3.000 người vào các trung tâm CNMT. Do người nghiện ma túy đưa vào các trung tâm giảm nhiều nên TPHCM đang có kế hoạch đầu tư, chuyển đổi một số trung tâm thành cơ sở dạy nghề, giúp họ sớm hội nhập vào cộng đồng. Hiện Sở LĐTB-XH TPHCM đang thí điểm chuyên môn hóa việc CNMT.

Theo đó, quy trình CNMT sẽ được thực hiện trong thời gian 24 tháng với 3 giai đoạn và qua các trung tâm khác nhau. Cụ thể giai đoạn 1 (2 - 3 tháng), bao gồm việc cắt cơn, khám sức khỏe ban đầu, giải độc và giáo dục các nội dung liên quan đến Luật Phòng chống ma túy; giai đoạn 2 (khoảng 18 tháng): chuyển sang trung tâm khác, học viên tiếp tục được giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, học văn hóa và tập làm quen với hoạt động lao động trị liệu (không đặt nặng lao động sản xuất) để rèn luyện phục hồi sức khỏe. Giai đoạn cuối (khoảng 3 tháng), học viên được qua trung tâm thứ 3, chuyên học nghề, được trang bị, tư vấn kiến thức và kỹ năng để tái hòa nhập với cộng đồng xã hội.

UBND TP mới có quyết định thành lập và đầu tư cho Trung tâm Long Thành thành trường chuyên dạy nghề cho người nghiện ma túy. Trường này được đầu tư trang thiết bị dạy nghề khá hiện đại, có thể dạy nhiều nghề như sửa xe gắn máy, điện gia dụng, may công nghiệp, tin học văn phòng, đồ họa, thợ sơn…

KHÁNH BÌNH

Tin cùng chuyên mục