Suốt 26 năm qua, ông thầm lặng nghiên cứu khảo cổ, sưu tầm, phát hiện được hàng ngàn hiện vật, cổ vật, văn tự, sắc phong độc đáo, quý hiếm các loại, góp phần làm sống lại “hồn” di sản văn hóa trên vùng đất xứ Nghệ. Ông là Hồ Bách Khoa, (52 tuổi), Trưởng ban Quản lý Khu di tích quốc gia đặc biệt Nguyễn Du, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.
Ông Hồ Bách Khoa bên những hiện vật gốm, sứ cổ được lưu giữ tại Khu di tích quốc gia đặc biệt đại thi hào Nguyễn Du.
Bước ngoặt…
Trò chuyện với chúng tôi, ông Khoa nhớ lại, ngày đó khi vừa chân ướt chân ráo được phân về Bảo tàng tổng hợp Nghệ Tĩnh công tác, cơ sở vật chất còn thiếu thốn mọi mặt. Nhưng bằng niềm đam mê cháy bỏng với cái nghề bảo tồn di sản văn hóa quê hương luôn thôi thúc mình phải xác định lăn xả, mặc nắng mưa, vượt hàng chục cây số đi khắp địa bàn từ vùng miền núi hiểm trở, rồi xuống miền ven biển cát trắng để tìm tòi, nghiên cứu, sưu tầm, phát hiện ra rất nhiều khối di sản văn hóa có giá trị của lịch sử qua các thời kỳ ở Việt Nam tại vùng đất Nghệ Tĩnh.
Với ông Khoa, có lẽ bước ngoặt đánh dấu đầu tiên trong đời làm nghề di sản đó là vào khoảng năm 1989, khi được may mắn trực tiếp tham gia cùng Bảo tàng tổng hợp Nghệ Tĩnh phối hợp với các chuyên gia hàng đầu của Viện Khảo cổ học Việt Nam và Nhật Bản tiến hành thám sát, khai quật khảo cổ học tại di chỉ văn hóa khảo cổ Làng Vạc (di chỉ này nằm trên vùng đất rộng khoảng 3ha, ở xã Nghĩa Hòa, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An). Tại đây, qua nhiều lần khai quật, thám sát và nghiên cứu đã phát hiện được hơn 1.000 hiện vật bằng đồng, trong đó đáng chú ý nhất là trống đồng niên đại khoảng 2.100 năm, các vòng tay, dao găm có niên đại từ thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên. Ngoài ra, còn có bao tay, vòng cổ tay, hoa tai... hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Nghệ An.
Cuối năm 1991, khi Nghệ Tĩnh chia tách ra thành 2 tỉnh Nghệ An và tỉnh Hà Tĩnh, ông Khoa là một trong những người đầu tiên được phân công về tham gia thành lập Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh. Tại môi trường công tác mới, ông đã bắt tay vào khảo sát, phục hồi hệ thống di tích văn hóa trên địa bàn Hà Tĩnh, hàng ngàn hiện vật, tư liệu, cổ vật từ đồ gốm, sành sứ, sắt, đồng, văn tự cổ, sắc phong, ấn triện đồng… đã được ông và cộng sự trực tiếp tìm kiếm, phát hiện, nghiên cứu, sưu tập và hiện đang bảo quản, lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh. Ngoài ra, ông còn tham gia xây dựng, phục hồi, bảo tồn tôn tạo lại nhiều hệ thống di tích đền, đình chùa, miếu mạo, hệ thống giếng cổ Chămpa… bị xuống cấp, lãng quên qua thời gian, qua đó góp phần giữ gìn “hồn cốt” nguồn di sản văn hóa quý giá cho Hà Tĩnh.
Đặc biệt, năm 1993 với chiếc xe đạp cà tàng, nhiều lần ông vượt trên dưới 100km từ thị xã Hà Tĩnh (nay là TP Hà Tĩnh) lên vùng miền núi huyện Kỳ Anh cùng ăn, cùng ở tại đây phối hợp với người dân địa phương rong ruổi dọc các cánh rừng Hoành Sơn để tìm kiếm vết tích thành lũy đá cổ Kỳ Lạc của vương quốc Lâm Ấp (thời kỳ Đại Việt - Chămpa). Kết quả sau đó đã phát hiện được di tích lũy đá chạy dài hàng chục cây số trên khu vực Đèo Bụt. Đến ngày 29-9-2011, tại Hội nghị thông báo khảo cổ học toàn quốc lần thứ 46 diễn ra ở TP Hà Nội, Sở VH-TT-DL tỉnh Hà Tĩnh chính thức công bố phát hiện đặc biệt này. Mới đây, ngày 12-12-2014, Bộ VH-TT-DL đã ký quyết định xếp hạng thành lũy đá cổ Kỳ Lạc là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.
Am hiểu, đam mê
Sau thành công lũy đá cổ, ông Khoa được lãnh đạo Sở VH-TT-DL Hà Tĩnh tín nhiệm giao trọng trách tham gia tìm kiếm, khảo sát, lập hồ sơ nghiên cứu khoa học những tư liệu, hiện vật liên quan đến di chỉ khảo cổ học Phôi Phối - Bãi Cọi (ở xã Xuân Viên, huyện Nghi Xuân). Sau hơn 3 năm miệt mài cố gắng, ông đã cùng với các đoàn chuyên gia khảo cổ học Việt Nam, Hàn Quốc… khai quật, phát lộ tại đây hàng ngàn hiện vật, cổ vật bằng đồ gốm, sứ, sắt, đồng các loại, qua đó khẳng định Phôi Phối - Bãi Cọi là điển hình khu cư trú của cư dân văn hóa Hậu kỳ đá mới có sự giao thoa, hội tụ của nền văn hóa Đông Sơn (khu vực phía Bắc) và văn hóa Sa Huỳnh (khu vực Nam Trung bộ) - một di tích khảo cổ học hiếm có trong hệ thống di tích khảo cổ học Việt Nam. Kết quả, đến đầu năm 2012, Bộ VH-TT-DL đã quyết định công nhận Phôi Phối - Bãi Cọi là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Sau đó, ông tiếp tục được giao phối hợp tham gia cùng với Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam, cơ quan chức năng liên quan nghiên cứu, thám sát hệ thống tuyến di tích khảo cổ học ven biển Hà Tĩnh, thương cảng cổ Hội Thống, di chỉ khảo cổ học đền Huyện ở Nghi Xuân, nền Trang Vương trên đỉnh núi Hồng Lĩnh…
Năm 2012, ông Khoa lại được UBND tỉnh Hà Tĩnh, Sở VH-TT-DL giao trực tiếp “đảm nhiệm” xác lập hồ sơ khoa học Khu di tích Nguyễn Du trình Bộ VH-TT-DL, Chính phủ xem xét công nhận là di tích lịch sử văn hóa quốc gia đặc biệt. Theo ông Khoa, trong suốt cuộc đời làm nghề bảo tồn di sản, có lẽ công việc được giao lập hồ sơ khoa học về di tích cụ Nguyễn Du là khó khăn nhất, dày công nhất, đòi hỏi trình độ cao, nghiên cứu sâu, am hiểu rộng nhất và phải tập hợp được nhiều loại tư liệu khoa học. Sau nhiều ngày tháng nghiên cứu, tìm kiếm nguồn tư liệu, cuối cùng cũng hoàn thành đúng như ông mong đợi là đã được Chính phủ, bộ quyết định công nhận là di tích quốc gia đặc biệt đầu tiên ở tỉnh Hà Tĩnh.
Ông Khoa luôn tâm niệm, đã dấn thân bước vào nghề nghiên cứu di sản thì phải có cái tâm, có niềm đam mê cháy bỏng thực sự mới làm tốt được. Đặc biệt, ở vùng đất Hà Tĩnh, Nghệ An vốn có bề dày truyền thống về mặt lịch sử, sự khắc nghiệt về thời gian, có nhiều biến cố, nên hệ thống di tích, di sản văn hóa có nguy cơ bị mai một rất cao.
Những ngày này, mặc dù rất bận rộn vì phải lo chuẩn bị tổ chức các hoạt động lễ kỷ niệm 250 năm ngày sinh của Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du (1765-2015), nhưng ông Khoa vẫn thu xếp thời gian, ngày rảnh rỗi thì đi về các địa phương ở huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh và tỉnh Nghệ An để tìm kiếm, thu thập thêm các nguồn tư liệu, hiện vật có liên quan đến Khu di chỉ khảo cổ học Phôi Phối - Bãi Cọi, đêm thì mang ra nghiên cứu chỉ với ước vọng sẽ tiếp tục làm sáng rõ thêm sự giao thoa giữa các nền văn hóa cổ xưa trên phạm vi rộng hơn, sâu hơn ở Bãi Cọi với các vùng miền khác. Thông qua đó sẽ góp phần giúp mọi người biết đến Bãi Cọi - một khu di chỉ nổi tiếng toàn quốc và cả ở ngoài nước.
DƯƠNG QUANG