Kỳ vọng phục hồi khi bình thường mới
Dù mức tăng trưởng tín dụng 9 tháng qua vẫn tích cực, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng so với cuối tháng 8, tín dụng tháng 9 đã ghi nhận ở mức tăng trưởng âm khi dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đã giảm 23.000 tỷ đồng. Riêng tín dụng tại TPHCM, trong 9 tháng năm 2021 tăng khoảng 6,41% so với cuối năm trước nhưng thấp hơn nhiều mức tăng chung của toàn ngành (thông thường luôn cao hơn). Nếu tính riêng quý 3-2021, tín dụng tại TPHCM chỉ tăng 0,76% so với quý 2-2021 và thấp nhất so với 2 quý trước. Lý giải việc này, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc phụ tránh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TPHCM, cho biết, dịch bệnh đã khiến mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn bị đình trệ, nhiều nhà máy phải giảm công suất hoặc dừng hoạt động để chống dịch, nên đã ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động tín dụng của ngân hàng. Cùng với đó, tổ chức hoạt động của ngân hàng trong thời gian giãn cách xã hội cũng phát sinh những khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc hạn chế đi lại, số lượng giấy đi đường được cấp… khiến việc tiếp cận để giải ngân các khoản cho vay mới gặp khó, từ đó ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng.
Theo NHNN chi nhánh TPHCM, với tình hình dịch Covid-19 đang dần được kiểm soát, cộng thêm kế hoạch mở cửa lại nền kinh tế, tăng trưởng tín dụng trên địa bàn TPHCM được dự báo sẽ phục hồi trở lại trong quý 4-2021. Hiện một số khu vực quận, huyện của TPHCM đã kiểm soát được dịch và đang có lộ trình phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh như quận 7, huyện Cần Giờ và huyện Củ Chi. Xu hướng này sẽ mở rộng gắn với tình hình dịch bệnh được cải thiện và miễn dịch cộng đồng tốt hơn, khi tỷ lệ tiêm vaccine mũi 1 của người dân tại TPHCM ngày càng cao. Trong điều kiện đó, nhu cầu vốn sẽ tăng trở lại. Ông Nguyễn Hoàng Minh cũng cho biết, cơ quan này sẽ chỉ đạo các ngân hàng thương mại (NHTM) triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp tại các quận, huyện và TP Thủ Đức theo nhu cầu của doanh nghiệp nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu về vốn để phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh trong trạng thái bình thường mới. Đồng thời đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN và UBND TPHCM nhằm góp phần phục hồi kinh tế TPHCM.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), dự kiến kịch bản tín dụng sẽ hồi phục mạnh ngay từ tháng 10 và 2 tháng cuối năm 2021. NHNN sẽ có gói cấp bù lãi suất 3.000 tỷ đồng, tương đương quy mô dư nợ hơn 100.000 tỷ đồng, “bơm” ra nền kinh tế trong thời gian tới để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. “Mục tiêu tín dụng năm nay là 12%, nhưng linh hoạt. Nếu cần thiết vẫn có thể mở để tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp thuận lợi vay vốn”, ông Tuấn Anh khẳng định.
Đảm bảo cung ứng đủ vốn cho sản xuất kinh doanh
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết sẽ xem xét, điều chỉnh nới hạn mức tín dụng (room) cho các NHTM để đảm bảo cung ứng đủ vốn cho doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, ông Đào Minh Tú nhấn mạnh, việc nới room tăng trưởng tín dụng này dựa trên cơ sở các NHTM phải cân đối nguồn vốn, thẩm định hiệu quả phương án vay vốn và tự chịu trách nhiệm về quyết định cấp tín dụng. Chính vì thế, mới đây NHNN đã yêu cầu các NHTM phải kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng, chất lượng tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro hoặc chịu tác động lớn của dịch Covid-19, đặc biệt là dư nợ lĩnh vực bất động sản với mục đích tự sử dụng. Ưu tiên, tập trung cho vay đối với các ngành nghề, lĩnh vực khuyến khích, phục vụ sản xuất, xuất nhập khẩu, thanh toán quốc tế… nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng để phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch Covid-19.
Các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán SSI đánh giá, NHNN sẽ tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ trong thời gian tới. Và một trong các biện pháp chính là tăng room để tạo điều kiện cho NHTM giảm thêm lãi suất cho vay. Mới đây, thị trường cũng đã ghi nhận không ít NHTM đã được NHNN cấp thêm room tín dụng như Techcombank và TPBank vừa được cấp tăng trưởng tín dụng cao nhất, ở mức trên 17%. Một số NHTM khác như MSB, MBBank, ACB… cũng được nới room tín dụng lên 9,5%-15%. Điều này sẽ giúp các ngân hàng có thêm dư địa cấp vốn cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.
Lãnh đạo một NHTM tại TPHCM cho biết, hiện dư địa tín dụng của ngân hàng vẫn còn nên các doanh nghiệp có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn theo quy định thì đều được ngân hàng xem xét cho vay. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng trong 3 tháng cuối năm có thể sẽ phục hồi nhưng chưa thể bứt phá như những năm trước, bởi lẽ tốc độ tăng trưởng tín dụng phụ thuộc nhiều vào tình hình kiểm soát dịch bệnh và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.