Cải tổ nước rút

Trên trang Twitter của mình, Ngoại trưởng Anh William Hague ngày 14-7 bất ngờ tuyên bố sẽ từ chức và lui về giữ vị trí Chủ tịch Hạ viện để hỗ trợ các thành viên đảng Bảo thủ cho cuộc tổng tuyển cử vào tháng 5-2015. Chính trường Anh bắt đầu có những cuộc “thay máu” quan trọng để nhường những chiếc ghế nặng ký nhất cho hàng loạt gương mặt nữ. Thay đổi này là để đáp ứng mong muốn từ người dân Anh, và cũng là để đối phó trước những chỉ trích từ đảng Lao động cho rằng nội các Anh thiếu nữ lãnh đạo.

Không chỉ có Ngoại trưởng William Hague từ chức sau 4 năm đảm nhiệm chức vụ mà Quốc vụ khanh Kenneth Clarke cũng từ chức. Ông Kenneth Clarke là một trong những nhân vật phản đối Anh rút khỏi EU. Trong danh sách từ chức còn có Bộ trưởng bộ Y tế Andrew Lansley, Bộ trưởng Bộ Đại học David Willetts, Tổng Chưởng lý Dominic Grieve và Bộ trưởng Bộ chính sách Damian Green.

Chính phủ Anh hiện đang gặp khó khăn trong nỗ lực củng cố uy tín. Trước tiên là vực dậy nền kinh tế, sau đó là vấn đề nhập cư và việc làm. Nội các của Thủ tướng David Cameron dường như đã đuối sức trước những nhiệm vụ trên. Quyết định ủng hộ hôn nhân đồng giới của ông Cameron cũng chả khác gì lần “đánh cược” uy tín của đảng Bảo thủ nhằm thu hút hơn sự quan tâm của cử tri nhưng cũng đã phản tác dụng. Đa số các thành viên đảng Bảo thủ đã phản đối quan điểm này của ông Cameron. Chính quyền Thủ tướng Cameron còn nỗi lo lớn là chuyện nước Anh đi hay ở lại Liên minh châu Âu. Bản thân nội bộ đảng Bảo thủ cũng rất mâu thuẫn về vấn đề này chứ chưa nói đến tranh cãi gữa các đảng.

Trong khi đó, truyền thông địa phương dẫn các nguồn tin từ chính phủ cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Anh Philip Hammond nhiều khả năng sẽ thay thế vị trí của ông Hague. Ông Philip Hammond từng khẳng định lập trường mạnh mẽ Anh cần rời EU nếu tư cách thành viên của Anh không được nâng cao hơn nữa trong liên minh này. Một chi tiết cần quan tâm là trong cuộc thăm dò dư luận được tiến hành tháng 4 vừa qua, đảng Độc lập Anh (UKIP) đã giành được sự ủng hộ cao kỷ lục từ cử tri. Đảng này theo đường lối bài EU. Dễ hiểu, những thay đổi nhân sự chủ chốt lần này của chính quyền Thủ tướng David Cameron là nhằm xoa dịu người dân trước những bức xúc về những vấn đề cấp bách là việc làm, nhập cư. Danh sách những nữ lãnh đạo được Thủ tướng Cameron đề bạt lần này có bà Esther McVey, Quốc vụ khanh phụ trách việc làm. Bà đã ghi điểm với người dân khi dẫn dắt thành công các chiến dịch tạo việc làm trong bối cảnh khủng hoảng tài chính đang khiến thị trường lao động ở Anh và châu Âu nói chung bão hòa.

Theo thống kê của Cơ quan thống kê quốc gia Anh (ONS) công bố cuối tháng 3 vừa qua, số người thất nghiệp ở nước này trong giai đoạn từ tháng 11-2013 đến 1-2014 đã giảm 63.000 người, xuống còn 2,33 triệu người, tương đương với 7,2% dân số. Đáng chú ý là số thanh niên thất nghiệp trong độ tuổi từ 16-24 cũng giảm tới 29.000 người xuống còn 912.000 người, mức thấp nhất kể từ năm 2011. Ngoài ra còn có Bộ trưởng Giáo dục Liz Truss và Bộ trưởng Nữ giới Nicola Ann Morgan.

Nhưng để có nội các mới đủ năng lực để vừa giúp Anh phát triển thuận hòa, vừa định hình lại mối quan hệ giữa Anh và EU theo chiều hướng thuận lợi thì e rằng chỉ một lần “thay máu” ở chặng nước rút trước cuộc bầu cử quan trọng vẫn chưa đủ.

NHƯ QUỲNH

Tin cùng chuyên mục