Quốc hội thảo luận về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh

Cấm bác sĩ nhận tiền “bồi dưỡng”

Ngăn chặn các thương lượng “ngầm”
Cấm bác sĩ nhận tiền “bồi dưỡng”

Hôm qua 15-6, góp ý về dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh, nhiều đại biểu Quốc hội đã đề nghị Luật Khám bệnh, chữa bệnh phải hết sức chú trọng vào vấn đề y đức, giải quyết tối đa những tiêu cực trong khám bệnh, chữa bệnh.

Ngăn chặn các thương lượng “ngầm”

Đại biểu Quốc hội Lê Minh Hồng (Hà Nam) phát biểu tại hội trường.

Đại biểu Quốc hội Lê Minh Hồng (Hà Nam) phát biểu tại hội trường.

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, đa số ĐBQH thống nhất với quy định cấp chứng chỉ hành nghề (có giá trị trên toàn quốc) cho toàn bộ đội ngũ cán bộ y tế công và tư. Nhiều ý kiến cho rằng, gia hạn chứng chỉ hành nghề sau 5 năm (mà không kiểm tra, sát hạch lại) là không cần thiết, gây tốn kém, dễ làm nảy sinh tiêu cực xin - cho.

Thống nhất quan điểm này, ĐB Triệu Sỹ Lầu (Cao Bằng) lưu ý, do đội ngũ cán bộ y tế trên toàn quốc khá đông nên việc cấp chứng chỉ phải có lộ trình, không làm tràn lan để đảm bảo chất lượng giấy phép.

Một nội dung khác được đa số ĐBQH đồng tình là việc cho phép cán bộ y tế công lập được tham gia khám chữa bệnh (KCB) ngoài giờ làm việc tại cơ sở y tế tư nhân, góp phần khắc phục tình trạng thiếu nhân lực, đáp ứng yêu cầu KCB của nhân dân.

Về yêu cầu đảm bảo sự hài hòa về trách nhiệm – quyền chính đáng giữa cán bộ y tế và người bệnh, ĐB Trương Thị Thu Hằng (Đồng Nai) nhận xét: “Dường như luật soạn thảo dành cho người thầy thuốc hơn là cho người bệnh. Vì chỉ có 10 trong số 81 điều của dự thảo luật đề cập đến quyền và nghĩa vụ của người bệnh. Và còn nhiều bất cập trong hoạt động KCB mà xã hội rất quan tâm chưa được nêu ra. Đó là chất lượng của dịch vụ y tế, công bằng y tế, chi phí y tế và đặc biệt là y đức”.

ĐB Hoàng Thị Hương (Lạng Sơn) bày tỏ đồng tình: “Dự thảo luật nên có những quy định cụ thể rõ ràng hơn về những hành vi bị nghiêm cấm đối với người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh cũng như về phía người bệnh, giải quyết cơ bản các hiện tượng tiêu cực trong công tác KCB hiện nay”.

Bà Hương gợi ý tham khảo luật về hành nghề thầy thuốc ở Pháp, trong đó có những điều khoản nghiêm cấm thầy thuốc gợi ý bệnh nhân đưa quà hay nhận tiền “bồi dưỡng” của bệnh nhân; cấm cho tiền người môi giới “dắt” người bệnh đến cho mình; cấm thu thêm tiền của bệnh nhân ngoài các khoản phải trả theo quy định; cấm thương lượng “ngầm” giữa các bác sĩ và dược sĩ bán thuốc…

Đồng thời, về phía người bệnh cũng phải quy định những hành vi bị cấm, nếu làm ảnh hưởng đến chuyên môn, đạo đức của người hành nghề khám, chữa bệnh như yêu cầu làm sai lệch hồ sơ bệnh án để có lợi cho người bệnh (nhưng lại gây bất lợi cho người khác hoặc cho xã hội).

Phải có điều khoản bồi thường cho bệnh nhân

ĐBQH Vũ Hồng Anh (Hà Nội) phát biểu tại hội trường.

ĐBQH Vũ Hồng Anh (Hà Nội) phát biểu tại hội trường.

Là một bác sĩ công tác lâu năm trong ngành, ĐB Lê Minh Hồng (Hà Nam) cũng rất trăn trở về vấn đề này. Xuất phát từ tình trạng bệnh viện A thường không chấp nhận kết quả xét nghiệm của bệnh viện B, gây tốn kém, phiền hà cho bệnh nhân không ít, ĐB đề nghị thêm vào luật một điều khoản với nội dung “hạn chế mức tối đa các xét nghiệm mà đồng nghiệp đã thực hiện chính xác trong cùng thời điểm để bớt tốn kém cho người bệnh”.

Cũng nhằm bảo vệ quyền lợi của người bệnh, ĐB Vũ Hồng Anh (Hà Nội) đề nghị bổ sung vào mục 1, Chương II (về quyền của người bệnh) một điều khoản khẳng định quyền được bồi thường khi cơ sở y tế do sai sót trong chuyên môn gây ra làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người bệnh (mặc dù vấn đề này đã được quy định rải rác trong một số điều khoản khác của dự thảo luật).

Từ góc độ cán bộ y tế, ĐB Lê Minh Hồng đề nghị nghiên cứu lại một số khoản trong Điều 11 để vừa bảo đảm được quyền của người bệnh, vừa bảo đảm được tính nhân văn, tính pháp lý của trị bệnh cứu người.

Ông nêu ví dụ: “Ở Điều 5 (Các hành vi bị cấm), khoản 1 cấm từ chối, chậm cấp cứu người bệnh; còn khoản 2 là cấm hành nghề khám bệnh, chữa bệnh vượt quá phạm vi chuyên môn cho phép trong chứng chỉ hành nghề hoặc không có chứng chỉ hành nghề. Cần phải có ngoại lệ trong trường hợp cần hành động khẩn cấp để cứu sinh mạng cho bệnh nhân thì cán bộ y tế mới dám thực thi cấp cứu”…

* Chiều cùng ngày, ĐBQH thảo luận tại tổ về dự án Luật Tần số vô tuyến điện.

Anh Phương

Tin cùng chuyên mục