Cấm ép buộc, áp đặt… làm sai lệch thông tin thống kê

Sáng 23-11, với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật thống kê (sửa đổi).

(SGGPO).- Sáng 23-11, với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật thống kê (sửa đổi). Luật Thống kê (sửa đổi) gồm 9 chương, 72 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2016.

Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, giải trình dự án Luật thống kê (sửa đổi) của Ủy ban thường vụ Quốc hội (TVQH)  cho thấy, về các hành vi nghiêm cấm trong hoạt động thống kê và sử dụng thông tin thống kê, có ý kiến đề nghị bổ sung hành vi nghiêm cấm điều chỉnh, làm sai lệch số liệu thống kê và bổ sung quy định cấm ép buộc, áp đặt, mua chuộc, đe dọa, dụ dỗ người khác làm sai lệch dữ liệu, thông tin thống kê.

TVQH đã tiếp thu và chỉnh lý tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 10 của dự luật. Ngoài ra, có ý kiến đề nghị làm rõ hành vi nghiêm cấm đối với hoạt động thống kê ngoài nhà nước trong lĩnh vực chính trị và cũng đã được TVQH tiếp thu, chỉnh lý tại điểm b khoản 2 Điều 10.

Về hệ thống thông tin thống kê nhà nước, một số ý kiến đề nghị giải thích sự chênh lệch lớn số liệu thống kê xuất, nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc năm 2014. TVQH cho rằng, năm 2014 có sự chênh lệch lớn số liệu thống kê xuất, nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc là do phương pháp thống kê và buôn lậu, gian lận thương mại. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, để làm rõ số chênh lệch do các nguyên nhân khác nhau đòi hỏi các nước phải phối hợp rà soát trong khoảng thời gian nhất định. Chính phủ đang chỉ đạo các ngành hữu quan phối hợp với nước bạn tìm nguyên nhân cụ thể và sớm khắc phục số liệu thống kê chênh lệch lớn này.
 
Ngoài ra, có ý kiến đề nghị xem xét tính thống nhất, khắc phục sự chênh lệch số liệu thống kê TVQH cho rằng, trong thời gian qua có sự chênh lệch số liệu thống kê giữa Tổng cục Thống kê với bộ, ngành và giữa trung ương với địa phương. Nguyên nhân chủ yếu do chưa quy định chặt chẽ về nội dung, phương pháp tính, nguồn số liệu của các chỉ tiêu thống kê; thiếu các quy định cụ thể về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc cung cấp, sản xuất, sử dụng thông tin thống kê; thẩm quyền điều phối của cơ quan thống kê trung ương; về ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông, cùng với việc thực thi Luật chưa nghiêm, chế tài xử lý vi phạm chưa đủ mạnh.

Để khắc phục tình trạng trên, dự thảo Luật đã bổ sung các quy định cụ thể trách nhiệm về hệ thống thông tin thống kê nhà nước, hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, hệ thống chỉ tiêu thống kê bộ, ngành, hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã nhằm bảo đảm sự thống nhất trong hoạt động thống kê từ khâu thu thập các dữ liệu hành chính, tổng hợp, xử lý, công bố thông tin thống kê và thống nhất về khái niệm, nội dung, phương pháp tính. Dự thảo Luật quy định về thẩm định hệ thống chỉ tiêu thống kê bộ, ngành, thẩm định phân loại thống kê ngành, lĩnh vực, thẩm định phương án điều tra thống kê, thẩm định chế độ báo cáo thống kê cấp bộ, ngành, thẩm định số liệu thống kê của bộ, ngành trong hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia; bổ sung quy định các hành vi nghiêm cấm; bổ sung đầy đủ quyền và trách nhiệm của cả 3 nhóm chủ thể: nhóm chủ thể cung cấp thông tin cho ngành thống kê, nhóm chủ thể sản xuất thông tin thống kê và nhóm sử dụng thông tin thống kê; đẩy mạnh ứng dụng phương pháp thống kê tiên tiến, công nghệ thông tin và truyền thông, đặc biệt là sử dụng dữ liệu từ các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu bộ, ngành…

Về hoạt động thống kê ngoài nhà nước, có ý kiến đề nghị không nên hạn chế các hoạt động liên quan đến dịch vụ thống kê ngoài nhà nước. Vì vậy, TVQH  tiếp thu theo hướng quy định mở rộng phạm vi của hoạt động thống kê ngoài nhà nước, cho phép thực hiện hoạt động dịch vụ thống kê.

Cũng có ý kiến đề nghị cần khẳng định giá trị pháp lý của thông tin thống kê do tổ chức có uy tín trong nước và quốc tế công bố. TVQH cho rằng, thống kê của các tổ chức trong nước (ngoài hệ thống tổ chức thống kê nhà nước) nhằm mục đích phục vụ việc nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh của bản thân tổ chức đó và đáp ứng nhu cầu sử dụng cụ thể của tổ chức, cá nhân khác, không có giá trị sử dụng thay thế thông tin thống kê nhà nước. Việc các tổ chức quốc tế công bố số liệu thống kê theo thông lệ quốc tế, chỉ mang tính tham khảo nhằm định hướng phát triển toàn cầu. Dự thảo Luật đã quy định phạm vi và yêu cầu đối với hoạt động thống kê ngoài nhà nước. Các tổ chức, cá nhân ngoài hệ thống tổ chức thống kê nhà nước hoạt động kinh doanh, cung cấp dịch vụ thống kê phải tuân thủ các quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật khác có liên quan.

Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thống kê nhà nước và sử dụng thông tin thống kê nhà nước:

- Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, không kịp thời, cản trở việc cung cấp thông tin theo phương án điều tra thống kê, chế độ báo cáo thống kê và từ dữ liệu hành chính do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định;

- Khai man, làm sai lệch dữ liệu thông tin thống kê;

- Can thiệp, ép buộc, áp đặt, mua chuộc, đe dọa, dụ dỗ người khác khai man, làm sai lệch dữ liệu, thông tin thống kê và sử dụng thông tin thống kê;

- Thực hiện sai các quy định trong phương án điều tra thống kê, chế độ báo cáo thống kê, sử dụng dữ liệu hành chính cho hoạt động thống kê; tự sửa đổi thông tin khi thực hiện điều tra, báo cáo thống kê và cung cấp thông tin từ dữ liệu hành chính;

- Báo cáo, công bố, phổ biến thông tin thống kê không chính xác;

- Tiết lộ thông tin thống kê thuộc bí mật nhà nước; tiết lộ dữ liệu, thông tin thống kê chưa được công bố của cơ quan, tổ chức; sử dụng dữ liệu, thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân ngoài mục đích thống kê khi chưa được sự đồng ý của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó;

- Quyết định điều tra thống kê, ban hành chế độ báo cáo thống kê trái quy định của pháp luật về thống kê.


(Trích Luật Thống kê (sửa đổi) Quốc hội thông qua ngày  23-11.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục