Cam go cuộc chiến chống tham nhũng

THỤY VŨ

Cuộc biểu tình lớn chưa từng thấy tại Romania kể từ năm 1989 thu hút ít nhất 200.000 người nhằm chống lại sắc lệnh của Chính phủ Romania ân xá hàng chục quan chức tham nhũng đang thụ án tù. Người dân thủ đô Bucharest và nhiều thành phố khác giận dữ ném cả pháo sáng và bom tự chế vào cảnh sát và bị đáp trả bằng hơi cay. Người biểu tình kêu gọi Thủ tướng Sorin Grindeanu từ chức.

Ông Grindeanu thuộc đảng Dân chủ Xã hội (PSD) bào chữa cho sắc lệnh của mình khi cho rằng “nhà tù quá tải nên cần phải ân xá tù nhân”. Tuy nhiên, lực lượng đối lập cáo buộc ông muốn ân xá cho những người bạn. Cuộc biểu tình bùng phát sau khi Liên minh châu Âu (EU) cảnh báo Romania về bước lùi trong cuộc chiến chống tham nhũng. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker nói: “Cuộc chiến chống tham nhũng cần phải được đẩy mạnh, không thụt lùi. Chúng tôi đang theo dõi những diễn biến mới nhất ở Romania với mối quan ngại lớn”.

Theo sắc lệnh trên, số tiền tham nhũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự là 200.000 lei (khoảng 45.000 EUR). Với mức tiền này, nhiều quan tham sẽ thoát tội, trong đó có ông Liviu Dragnea, Chủ tịch PSD. Ông này vừa ra tòa tuần rồi với cáo buộc lạm dụng quyền lực và tham nhũng với số tiền 24.000 EUR.

Trong khi đó, tại Philippines, theo báo Philippines Star, cuộc chiến chống ma túy đã phải tạm dừng và sau đó chuyển đơn vị chủ trì từ Cảnh sát quốc gia (PNP) sang Cơ quan bài trừ ma túy (PDEA). Nguyên nhân cũng bắt nguồn từ tham nhũng trong hàng ngũ sĩ quan cảnh sát. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã phải kêu gọi quân đội giúp đỡ trong việc làm trong sạch đội ngũ PNP. Tổng thống Duterte thừa nhận rằng ông chỉ nhận ra tình trạng tham nhũng trầm trọng trong PNP khi phát hiện vụ bắt cóc và giết hại một doanh nhân Hàn Quốc khi PNP nhân danh cuộc chiến chống ma túy. Tổng thống Duterte muốn dùng quân đội để trấn áp cảnh sát “bẩn” trước khi giao lại nhiệm vụ chống ma túy cho PNP.

Cuộc chiến chống tham nhũng trên phạm vi toàn cầu đang có bước lùi. Theo bảng chỉ số xếp hạng về tham nhũng trong năm 2016 của tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI), phần lớn các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương nằm ở nửa cuối bảng. Theo đó, 19 trong số 30 quốc gia trong khu vực chỉ đạt 40 trở xuống trong thang điểm từ 0-100, với 0 là tham nhũng nặng nhất và 100 được coi là trong sạch nhất. Cũng theo TI, bê bối tham nhũng tiếp tục làm xói mòn niềm tin công chúng vào chính quyền, làm giảm lợi ích của dân chủ và pháp quyền. José Ugaz, Chủ tịch TI nói: “Tại rất nhiều nước, người dân đang bị tước đoạt các nhu cầu cơ bản nhất của họ và thậm chí thiếu ăn do tham nhũng gây ra, trong khi những kẻ tham nhũng hưởng lối sống xa hoa lại không bị trừng phạt”.

Theo TI, Trung Quốc đã tập trung nỗ lực chống tham nhũng theo phương châm “đả hổ diệt ruồi” (chống cả quan chức tham nhũng lớn lẫn nhỏ) nên nước này tăng 3 điểm nhưng vẫn chưa vượt qua 40. Australia  tương tự như vậy vẫn chưa thể vào trong tốp 10 nước ít tham nhũng nhất trong năm thứ ba liên tiếp. Nguyên nhân là do những vụ bê bối hối lộ tại nước ngoài gần đây liên quan đến Australia. Tuy nhiên, cũng có những điểm sáng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương khi Timor-Leste, Lào và Myanmar tiếp tục cải thiện điểm số của họ trong năm 2016.

THỤY VŨ

Tin cùng chuyên mục