Đổi mới để phát triển – Đường chúng ta đi

Cảm ơn Đổi mới!

Đầu những năm 80 của thế kỷ trước, “ngọn gió” Đổi mới lùa vào Xưởng in Bản đồ, Bộ Tham mưu Quân khu 7 (QK7) rất nhẹ nhàng và chậm chạp. Cũng như các đơn vị kinh tế quốc phòng khác, CB-CNV của xưởng in lúc ấy làm việc tà tà. Mọi việc đều theo tiếng kẻng. Loanh quanh, luẩn quẩn sáng chiều…

Đầu những năm 80 của thế kỷ trước, “ngọn gió” Đổi mới lùa vào Xưởng in Bản đồ, Bộ Tham mưu Quân khu 7 (QK7) rất nhẹ nhàng và chậm chạp. Cũng như các đơn vị kinh tế quốc phòng khác, CB-CNV của xưởng in lúc ấy làm việc tà tà. Mọi việc đều theo tiếng kẻng. Loanh quanh, luẩn quẩn sáng chiều…

Tiếng máy át tiếng kẻng

Tiếng kẻng làm đúng nhiệm vụ của nó và CB-CNV xưởng in cứ răm rắp thực hiện theo. Máy đang chạy rầm rì, có kẻng thì ngưng bặt; nói nôm na là có việc thì làm, không có thì nghỉ tại chỗ, chờ việc, nhưng lương vẫn lãnh đều đều. Đó là cái thời mà lương không đủ sống và cũng không nhiều người sống nhờ lương.

Công việc của xưởng in là thực hiện các văn bản, giấy tờ hành chính của QK7 và in Tờ tin QK7. Việc làm quá nhàn hạ với lực lượng kỹ thuật viên hùng hậu, những “cây đa, cây đề” trong ngành in lúc bấy giờ. Cũng cần nhắc lại, xưởng in trước ngày nước nhà thống nhất là nhà in của Liên đội 1 địa hình. Xưa nay, kỹ thuật quân đội đều được đầu tư rất mạnh và đơn vị này cũng vậy.

Phần đông nhân viên ở đây đều là những kỹ thuật viên tài giỏi trong ngành đồ họa, chụp phim, tách màu (thủ công) và in ấn. Khi tiếp quản, các nhân viên kỹ thuật có cảm tình với cách mạng đang công tác ở đây đã bảo quản máy móc, kho tàng khá tốt. Trong đó có 2 cái máy “vỗ bài” khổ 65cm x 100cm - loại máy chuyên dụng khá đắt tiền và toàn miền Nam chỉ có vài cái. Máy vận hành… bằng tay. Người thợ in lắp bản kẽm và in thử vài tờ để cân chỉnh màu sắc, chi tiết thật chính xác, trước khi in hàng loạt. Cơ ngơi là thế, con người tài giỏi như vậy nhưng… xưởng in vẫn hoạt động khá lặng lẽ. Ngày này qua ngày khác, cứ trôi… cho đến ngày…

Chiều hôm đó, sau khi đi thăm và gặp gỡ các CB-CNV xưởng in, Đại tá Nguyễn Ngọc Bích (ông Năm Bích, nguyên thủ trưởng Bộ Tham mưu QK7) nhận xét xưởng in dư khả năng thực hiện các công việc được giao. Máy móc, nhân công dư thừa và có thể làm thêm các công việc ở bên ngoài. Sau lần đó, ông Năm Bích còn đề nghị tôi có bài tham luận trình bày tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Bộ Tham mưu với nội dung đề xuất lãnh đạo cấp trên cho chủ trương để xưởng in phát huy hết công suất sẵn có của mình. Sau đó ít lâu, chúng tôi được Đảng ủy, Bộ Tư lệnh QK7 và Bộ Tham mưu nhất trí chủ trương “lấy thu, bù chi”.

Lúc này, trong những ngày đầu thực hiện Đổi mới, các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp ngành in nói riêng ở bên ngoài LLVT đã thực hiện chủ trương khoán sản phẩm đến người lao động. Xưởng in chưa dám khoán sản phẩm nhưng việc trả lương theo năng suất lao động, theo giờ làm thêm đã dấy lên phong trào “Tiếng máy át tiếng kẻng”. Đặc thù của ngành in là thời gian, chủ hàng nào cũng đốc thúc đơn vị sản xuất làm thật nhanh sản phẩm. Thế là lãnh đạo phát động, công nhân tự giác đăng ký làm thêm. Kể cả giờ nghỉ giải lao, tiếng kẻng vang lên giòn giã, nhưng tiếng máy in vẫn chạy rì rầm…

Chiếc máy in và con đường nội bộ

Có thể nói, chưa có lúc nào không khí làm việc tại xưởng in lại sôi động như vậy. Với thu nhập thuyết phục, người lao động cật lực với công việc của mình. Làm thêm giờ giải lao chưa đủ, nhân viên quốc phòng đăng ký làm thêm ngoài giờ và làm luôn ngày nghỉ. Không những bộ phận trực tiếp sản xuất làm thêm mà các tổ gián tiếp, kỹ thuật như đồ họa, sắp chữ chì, in typo, ghép trang, thành phẩm, cơ điện… cũng đăng ký làm ngoài giờ. Phong trào thi đua sôi nổi, nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật được các công nhân bậc cao nảy sinh trong quá trình sản xuất đã được áp dụng.

Thời điểm đó, vật tư ngành in cũng như nguyên vật liệu, xăng, dầu, mực rất khan hiếm, có tiền chưa chắc mua được. Nhờ mối quen biết trong học tập, chiến đấu… tôi và anh Ký (Trung tá Phan Văn Ký, nguyên Phó Xưởng trưởng Xưởng in) liên hệ được hàng in từ bên ngoài nhưng linh kiện máy móc căng thẳng lắm. Máy móc chạy lâu ngày bị hỏng hóc cũng nhiều. Lúc đó, anh Tư Chắc (ông Nguyễn Văn Chắc, Tổ trưởng Tổ cơ điện) và anh Năm Ngồng (ông Nguyễn Văn Ngồng, Tổ trưởng Tổ mộc) cùng anh em kỹ thuật in mày mò tìm kiếm và sửa chữa hỏng hóc.

Với tay nghề kỹ thuật cao, các anh đã phát huy hết khả năng của mình để mài giũa, tiện, bào các linh kiện kịp thời cho máy in hoạt động. Anh Bát (ông Phạm Văn Bát, Quản đốc phân xưởng in, chế bản), anh Bảy Thực (ông Nguyễn Văn Thực, Tổ trưởng Tổ in), anh Mười Tài (ông Nguyễn Văn Tài, Tổ trưởng Tổ họa) đã có sáng kiến bình bản, làm phim chồng màu để tiết kiệm công in.

Phong trào tiết kiệm tại các phân xưởng, tổ sản xuất cũng được nâng lên đáng kể. Theo nguyên tắc, mực và giấy phục vụ việc in ấn đều được cấp thêm 10% hư hỏng. Các công nhân đã tận dụng in trên 2 mặt giấy và tính toán thật sát số lượng mực in cho mỗi màu, mỗi thành phẩm. Tất cả đều quy ra tiền. Cứ 6 tháng một lần, các tổ sản xuất báo cáo số giấy, mực mà mình tiết kiệm được. Xưởng in mua lại hết số sản phẩm đó. Thu nhập của nhân viên ngày càng tăng. Việc sản xuất phụ, nuôi heo, trồng rau, nuôi cá cũng tăng năng suất. Từ một vài con heo, xưởng in đã tổ chức xây dựng dãy chuồng ở phía sau, cách xa khu vực sản xuất. Heo nái, heo thịt, heo con lúc nào cũng đầy chuồng. Ngoài số nhu yếu phẩm, thịt, đường, mắm, muối… theo quy định, cứ vào dịp cuối tháng, Phòng Hành chính lại tổ chức “vật heo”, tát ao cá. Đó là những ngày vui nhất của nhân viên xưởng in.

Việc làm thêm hồi ấy ở xưởng in đều được sự đồng ý và cho phép của Đảng ủy - Bộ Tư lệnh QK7 và thủ trưởng Bộ Tham mưu. Nhờ mối quen biết từ trước, tôi và anh Ký đã khai thác được nguồn hàng và vật tư cho sản xuất. Lúc đó, CB-CNV phải tập trung cho sản xuất và tôi không cho phép họ đi tìm nguồn hàng hay vật tư. Nếu biết, báo cho lãnh đạo xưởng liên hệ. Vật tư, tiền bạc, tài chính… đều có sổ sách rõ ràng. Sau đó vài năm, khi xưởng in đã tích lũy được một số vốn kha khá, con đường nội bộ trong cơ quan lại xuống cấp, lầy lội. Mua máy in hay nâng cấp con đường nội bộ? Tập thể CB-CNV đã nhất trí mua máy in, hỗ trợ sản xuất. Và khi sản xuất đã đạt được thành quả, con đường nội bộ cũng được khởi công, góp phần nâng cao đời sống của người lao động.

Chúng tôi thực sự cảm ơn Đổi mới!

Thượng tá TRẦN HỮU ĐỨC
(Nguyên Giám đốc Xưởng in bản đồ - Bộ Tham mưu Quân khu 7)

ĐOÀN HIỆP (ghi)

Tin cùng chuyên mục