Có thể vì buồn nên người ta tìm niềm vui trong nấu nướng, cũng có thể vì tiết kiệm mà họ tập nấu… Mỗi người một lý do hoặc nhiều lý do gộp lại, dần dà chuyện vào bếp nấu ăn và hội yêu bếp trở thành xu hướng chủ đạo trên mạng xã hội trong những ngày hạn chế đi lại.
Ngay lập tức hình ảnh bếp núc chỉn chu, bữa ăn bắt mắt của “hội yêu bếp” có ngay đối trọng là “hội ghét bếp” (hai trong số những trang có người theo dõi lớn nhất hiện nay - PV) nhanh chóng thu hút đông đảo lượt tham gia và bình luận của nhiều người, với hơn 840.000 thành viên chỉ trong vài ngày thành lập. “Ghét bếp” với chút tự trào tếu táo về sự vụng về khi vào bếp, những món ăn thất bại gần như chỉ còn cách bỏ đi, không thể cứu vãn nổi. Nhóm được lập mục đích để mọi người vui vẻ với những sự cố bếp núc và chia sẻ cùng nhau cách để rút kinh nghiệm. Còn “Yêu bếp” thì ngược lại.
Hai làn gió khác nhau nhưng tựu chung đều là cách để người ta thích nghi với tình hình hiện tại, chia sẻ niềm vui từ bếp núc trong những ngày phải tạm ở nhà vì dịch bệnh. Những ý tưởng tốt đẹp ban đầu đó, dần bị lu mờ bởi nhiều bài viết trong cả hai nhóm, bắt đầu có những soi xét và khó chịu với nhau, thậm chí là công kích nhau, gây phản cảm cho nhiều người.
Mạng xã hội từ lâu đã không còn xa lạ gì với những trào lưu đảo chiều nhanh như gió, ngược nhau nhưng lại trở thành bệ phóng hiệu quả cho nhau để thu hút sự quan tâm của người dùng. Nhưng từ sự hăm hở tò mò đến chán rồi chìm vào quên lãng cũng rất nhanh, và trào lưu khác lại nổi lên như sóng sau xô sóng trước. Tuy nhiên, những ngày dịch bệnh còn phức tạp và “giãn cách xã hội” vẫn tiếp tục, nhiều cảm xúc tiêu cực quanh các hội nhóm này bắt đầu phát sinh.
Một số người dường như phản ứng thái quá trước việc mạng xã hội liên tục là những hình ảnh cơm ngon, nhà đẹp, thậm chí trang hoàng như một homestay nghỉ dưỡng. Cảm giác như thể chuyện phải ở nhà, tình hình dịch bệnh ảnh hưởng kinh tế đã quá đủ tồi tệ với họ, đột nhiên bị vây quanh bởi những bữa cơm thịnh soạn là một điều chẳng dễ dàng và có thể rất khó chịu. Ngược lại, với một số người đã quá rành chuyện vào bếp, những sự cố nhỏ nhặt được chia sẻ trở thành đề tài để họ mỉa mai, châm chọc… Phải chăng, khi có quá nhiều thời gian, con người ta dễ phát sinh nhiều cảm xúc tiêu cực?
Yêu bếp hay ghét bếp, nhà đẹp hay không đẹp… cũng chỉ là cách để người ta tự tạo niềm vui, chia sẻ với nhau về mặt tinh thần trong những ngày ngoài kia là dịch bệnh và mỗi chúng ta dù ít hay nhiều đều chịu ảnh hưởng chung. Thay vì tìm cách để săm soi, khó chịu về nhau, hãy học cách thấu hiểu và thông cảm cho nhau nếu đối phương có phần hơi “vui quá”. Bởi, tựu chung lại, mỗi chúng ta đều đang cố gắng tìm niềm vui, sự lạc quan để cuộc sống thêm nhẹ nhàng hơn.