Cảm xúc ngày Quốc tang

Dù 7 giờ 30 mới bắt đầu lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhưng từ tờ mờ sáng nay, 12-10, hàng ngàn người dân thành phố và các tỉnh thành phía Nam đã có mặt tại khu vực trước Hội trường Thống Nhất để chờ vào viếng. Chúng tôi đã ghi nhận những tình cảm, sự tiếc thương của các tầng lớp nhân dân với vị tướng của nhân dân.
Cảm xúc ngày Quốc tang

(SGGPO).- Dù 7 giờ 30 mới bắt đầu lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhưng từ tờ mờ sáng nay, 12-10, hàng ngàn người dân thành phố và các tỉnh thành phía Nam đã có mặt tại khu vực trước Hội trường Thống Nhất để chờ vào viếng. Chúng tôi đã ghi nhận những tình cảm, sự tiếc thương của các tầng lớp nhân dân với vị tướng của nhân dân.

Đến viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông Trần Quốc Hương, nguyên Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng, nguyên Chỉ huy lực lượng tình báo Việt Nam đã khóc ngất, nói: “Tôi biết anh Văn từ nhỏ. Hằng ngày tôi cùng ăn cùng uống với Đại tướng, rất gần gũi, gắn bó. Lúc Đại tướng nằm bệnh, tôi thường xuyên vào thăm. Tôi biết sẽ có ngày anh Văn ra đi nhưng sao khi nghe tin tôi thấy bàng hoàng quá. Tim tôi đau thắt”.

Ông Nguyễn Kỳ Cẩm, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ xúc động ghi vào sổ tang 4 câu thơ:
Vì dân vì nước chẳng vì ai
Văn võ song toàn thật thẳng oai
Ý chí kiên trung vì đất nước
Tướng quân thao lược bậc nhân tài!

Giáo sư Phan Lương Cầm, Phu nhân cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt viết sổ tang.

Giáo sư Phan Lương Cầm, Phu nhân cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt viết sổ tang.

Giáo sư Phan Lương Cầm, Phu nhân cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt: Trong lòng tôi tràn đầy nỗi tiếc thương. Dù biết sự ra đi của bác là lẽ thường vì bác đã trên 100 tuổi nhưng vẫn thấy mất mát to lớn. Ngoài tình cảm chung, trong tôi cũng còn những tình cảm riêng vì tôi chơi thân với chị Võ Hồng Anh, con gái đầu của bác Giáp khi cả hai học chung ở Liên Xô. Tôi thấy bác là người chồng, người cha, người ông rất đáng kính, không làm cho gia đình buồn bao giờ. Những ngày này, khi nhìn từng dòng người viếng ở 30 Hoàng Diệu cũng như ở đây, tôi thấy rất rõ ràng bác được nhân dân vô cùng yêu quý. Có lẽ ngoài Bác Hồ, Đại tướng là người thứ 2 nhân dân yêu kính đến vậy, chắc khó có những trường hợp như thế này lặp lại. Tôi nhớ lần kỷ niệm 40 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, khi anh Kiệt lên phát biểu, đã giới thiệu về công trạng của bác Giáp rất đầy đủ. Khi đến đoạn: “Điện Biên Phủ là sự đóng góp của toàn dân nhưng nếu không có sự đóng góp của bác Giáp với những quyết định rất táo bạo, thì không có được chiến thắng Điện Biên Phủ”, cả hội trường đã đứng lên ào ào vỗ tay tán thành.

Tôi không muốn nhắc lại những kỷ niệm riêng nhưng tôi nhớ khi còn dạy ở Đại học Bách khoa Hà Nội, bác Giáp khi đó phụ trách khoa giáo, đã đến thăm trường ĐH Bách khoa. Bác mặc quân phục của Đại tướng và khi ấy sinh viên reo hò vui mừng đón Bác. Các em bày tỏ rõ sự kính trọng dành cho Bác. Còn với chúng tôi khi ấy thật sự rất xúc động vì Bác đã thực hiện đúng theo lời Bác Hồ dạy “Trung với Đảng, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua”.

Cô Yanmetn Núnez AlBornoz, họa sỹ, người Panama.

Cô Yanmetn Núnez AlBornoz, họa sỹ, người Panama.

Cô Yanmetn Núnez AlBornoz, họa sỹ, người Panama: Đây là lần đầu tiên tôi đến Châu Á. Khi nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất, tôi đã tìm mọi cách để đến đây và viếng bác lần cuối cùng. Ngày trước, không biết giữa cha tôi và đại tướng có mối thâm tình như thế nào nhưng trong nhà tôi vẫn còn tấm hình cha tôi chụp cùng đại tướng. Panama đã từng một thời gian là thuộc địa nên chúng tôi hiểu hơn ai hết giá trị của độc lập, của tự do. Với tình cảm tự nhiên ấy, tôi kính trọng và yêu quý Đại tướng của đất nước các bạn cũng như chính các bạn vậy. Đứng ở đây, nhìn di ảnh của Đại tướng, trong lòng tôi trào dâng một cảm xúc rất mãnh liệt.

Em Phạm Thị Huyền, sinh viên năm 2, Trường Đại học Luật TPHCM ghi sổ tang.

Em Phạm Thị Huyền, sinh viên năm 2, Trường Đại học Luật TPHCM ghi sổ tang.

Em Phạm Thị Huyền, sinh viên năm 2, Trường ĐH Luật TPHCM, người con sinh ra ở đất Quảng Bình, quê hương của Đại tướng nức nở khóc ghi sổ tang: Thưa Bác, con là người con của mảnh đất Quảng Bình thân yêu. Hôm nay con không thể cầm được nước mắt khi Bác ra đi. Dù chưa bao giờ được gặp Bác nhưng con đã biết đến Bác từ lâu và được nghe ba mẹ kể về Bác rất nhiều. Con đã nhiều lần đi qua nhà Bác nhưng chưa được vào thăm. Con nghe ba mẹ kể về cây khế nhà Bác và ao ước được một lần đến thăm. Là người con Quảng Bình, đi đâu con cũng tự hào khoe với mọi người về quê hương và Đại tướng. Những ngày qua, con đã nhiều lần không cầm được nước mắt khi nhìn thấy hình ảnh của Bác. Con xin hứa với Đại tướng là con sẽ cố gắng học thật giỏi để góp phần xây dựng quê hương. 

Em Vũ Thị Hải Đăng (giữa) cùng các bạn vào viếng Đại tướng.

Em Vũ Thị Hải Đăng (giữa) cùng các bạn vào viếng Đại tướng.

Cầm trên tay 2 đóa cúc trắng chờ đến lượt vào viếng Đại tướng, em Vũ Thị Hải Đăng, học sinh lớp 4/4 Trường Tiểu học Trần Quốc Toản quận 5- TPHCM nói: Trong lớp con đã được nghe kể về Đại tướng, mấy hôm nay con cũng được xem nhiều những bộ phim tư liệu về cuộc đời, sự nghiệp của Đại tướng trên ti-vi. Con thấy rất buồn vì cụ đã mất. Con sẽ cố gắng học thật giỏi để xứng đáng với những gì cụ và thế hệ cha ông đi trước đã hi sinh để giành độc lập, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc như ngày nay.

Hồng Hiệp – Ái Chân (ghi)

* Giới trí thức tưởng nhớ Đại tướng


*PGS Văn Như Cương: Những ai vì dân sẽ ở lại mãi với nhân dân…

Năm 1968, khi Đại tướng ở Nga để chuẩn bị sang Hungari, có một ngày Đại tướng đã nhắn tôi và vài anh em khác đến ăn cơm với Đại tướng ở nhà khách của Đại sứ quán Nga, đó là một kỷ niệm không thể quên, và sau này càng nghĩ tôi càng thấm thía.

Lúc đó, tôi và các anh em khác được Nhà nước cử sang học tập tại Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô. Đại tướng đã dành toàn bộ thời gian trong bữa cơm tối để động viên chúng tôi chuyện học hành. “Các cậu phải cố gắng học cho tốt để sau này về cống hiến cho đất nước. Đất nước hòa bình sẽ cần nhiều cán bộ, thầy giáo, kỹ sư, phải chuẩn bị thật tốt lực lượng để xây dựng đất nước sau chiến tranh. Phải làm giáo dục thật mạnh để theo kịp các nước”, Đại tướng đã dặn dò nhiều lần như vậy. Đại tướng cũng nhắc nhở, đất nước chiến tranh, bao nhiêu người phải ra chiến trường, nhiều thầy giáo cũng phải đi lính, con em học hành rất vất vả nên những người được Nhà nước ưu tiên cử đi học càng phải nỗ lực để sau này về xây dựng đất nước. Đó không chỉ là một lời động viên, còn là một tầm nhìn chiến lược mà Đảng ta, Bác Hồ, Đại tướng đã chuẩn bị sẵn sàng lực lượng để xây dựng Tổ quốc trong giai đoạn hòa bình.

Đại tướng là một nhà giáo thực sự. Dù là một vị Đại tướng vĩ đại, nhưng ở ông vẫn toát lên trọn vẹn sự điềm đạm, chỉn chu của một nhà giáo.

Năm 1988,  tôi gặp Đại tướng ở lễ khai giảng của Đại học Thăng Long (Đại học tư đầu tiên của Việt Nam),  Đại tướng thân tình hỏi “Văn Như Cương vẫn để râu đấy à?”. Sau khi biết tôi đang chuẩn bị thành lập trường phổ thông dân lập Lương Thế Vinh (trường phổ thông dân lập đầu tiên của Việt Nam từ khi đổi mới), ông đã rất quan tâm, động viên và hẹn đến sự lễ khai giảng của trườn”. Với những vấn đề mới, những người tiên phong, Đại tướng luôn dành sự khích lệ, niềm tin lớn lao.

Đại tướng qua đời là mất mát không gì bù đắp được và là nỗi đau quá lớn đối với nhân dân và dân tộc Việt Nam. Có lẽ, sau Chủ tịch Hồ Chí Minh, chỉ có Đại tướng nhận được sự tiếc thương nhiều đến thế. Nhìn dòng người ngày càng nối dài ra, trong đó có hàng ngàn bạn trẻ tôi càng thấm thía hơn bao giờ hết sự lan tỏa của nhân cách Đại tướng. Thế hệ trẻ hôm nay có thể không biết đến chiến tranh, chưa từng được gặp Đại tướng nhưng đức độ, nhân cách của ông đã lan tỏa qua năm tháng, thấm đến từng trái tim son trẻ. Và đó là cái phúc mà Đại tướng để lại cho chúng ta.

Đại tướng là người cuối cùng của thế hệ lãnh đạo đầu tiên đã ra đi. Nhưng tôi tin rằng đây là cơ hội to lớn để giới trẻ Việt Nam cũng như tất cả người dân chúng ta nhìn lại những gì thuộc về giá trị trường tồn của dân tộc. Những ai vì dân sẽ ở lại mãi với nhân dân…

*PGS-TS Trần Xuân Nhĩ: Đại tướng đi trước thời đại…

Tôi vinh dự được nhận sự chỉ bảo của Đại tướng từ năm 1981 khi tôi bắt đầu làm Thứ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo. Lúc đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng phụ trách công tác khoa học và giáo dục. Sau này khi nghiên cứu sâu tôi mới thấy tầm nhìn đi trước thời đại của Đại tướng về giáo dục. 

Đại tướng đã ra Quyết định 126 CP về hướng nghiệp và sử dụng học sinh khi ra trường. Đây là một quyết định rất có ý nghĩa cho đến bây giờ. Chính Đại tướng là người quyết định cho nhiều chủ trương lớn của giáo dục Việt Nam như thành lập Trung tâm kỹ thuật tổng hợp, hệ thống trung tâm giáo dục thực hành, hệ thống trung tâm giáo dục thường xuyên, hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú… Về sau, Đại tướng là một trong những người sáng lập ra Hội Khuyến học Việt Nam.. Tất cả những vấn đề này đến nay đều đang được ngành giáo dục phát triển. Những quan điểm đổi mới giáo dục của Đại tướng đến nay vẫn được đánh giá là đi trước thời đại. Đại tướng rất chú ý đến kỹ năng giáo dục và hoạt động hướng nghiệp cho học sinh. Đây là vấn đề quan trọng. Ví dụ, Đại tướng cho thành lập Trung tâm tổng hợp hướng nghiệp trong nhà trường, cho thành lập vườn trường, xưởng trường để cho học sinh xác định được học cái gì phù hợp với năng lực của mình, học cái gì để phục vụ đất nước.

Thời gian sau, chương trình đào tạo này trong nhà trường có phần lơ là. Bây giờ, Đề án Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục lại quay về vấn đề này. Chứng tỏ suy nghĩ của Đại tướng mang tầm chiến lược đối với sự nghiệp giáo dục của đất nước.

PHAN THẢO ghi

>> Cả nước viếng Đại tướng Đại tướng Võ Nguyên Giáp

>> Thành phố Hồ Chí Minh, ngày ảm đạm, tiếc thương!

>> Hàng chục ngàn người xếp hàng dài chờ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại quê nhà

Tin cùng chuyên mục