- Lấy ý kiến nhận xét của nhân dân đối với cán bộ đảng viên
Thực tế xã hội cho thấy tình trạng quan liêu, xa dân vẫn tồn tại, với mức độ có chiều hướng trầm trọng. Nhiều đảng viên là cán bộ lãnh đạo khi về nhà riêng thường ở “kín cổng cao tường”, ít giao du, tiếp xúc với những người dân láng giềng. Nhiều đảng viên là thủ trưởng các đơn vị vẫn có thái độ cách biệt với cán bộ, công nhân viên của mình. Nhiều cán bộ, đảng viên khi tiếp dân vẫn có thái độ hách dịch, thiếu lịch sự, thậm chí quát nạt, làm khó dễ mới chịu giải quyết công việc lẽ ra trong chức trách, nhiệm vụ của mình phải làm tròn. Vẫn còn diễn ra tình trạng cán bộ lãnh đạo đưa ra quyết sách không sâu sát, do chưa nghiên cứu đầy đủ tác động đến xã hội thế nào, gây lãng phí và mất lòng tin trong nhân dân. Hay việc cán bộ lãnh đạo đi cơ sở thực ra vẫn chỉ đến gặp lãnh đạo cơ sở, chứ chưa trực tiếp đi xuống dân, thấy dân làm, nghe dân nói, nên dễ dẫn đến nghe thông tin một chiều, thấy phần tốt đẹp nhiều hơn phần còn lại…
Trong một xã hội mà dân chủ ngày càng được mở rộng, quyền làm chủ của nhân dân cần được thể hiện ở việc được trực tiếp nêu ý kiến với các cơ quan quản lý nhà nước, thay vì phải thông qua người đại biểu của mình hoặc các cơ quan truyền thông. Sự kết hợp giữa quyền dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện cần được thực hiện một cách hài hòa hơn. Người dân có quyền được phát biểu chất vấn trực tiếp những người đứng đầu ngành để các vị này có trách nhiệm trực tiếp giải thích hoặc nhận lỗi với những người trực tiếp chịu hậu quả của một việc làm không hợp lý. Từ đó, trách nhiệm của nhà quản lý với công việc, với nhân dân càng được nâng cao.
Mặt khác, quyền giám sát của người dân đối với các cán bộ đảng viên cũng cần được quan tâm tới. Đảng viên là cán bộ đương chức về nhà riêng không tiếp xúc với người dân thì họ không thể giám sát được, nhưng khi lấy ý kiến nhận xét của cấp ủy nơi cư trú thì vẫn tốt, vậy liệu có thực sự khách quan và chính xác chưa? Gần đây dư luận có nêu ra một ý kiến: nếu cử tri không muốn ông A. đắc cử vào Quốc hội hay HĐND các cấp vì biết ông ta có những điều chưa tốt thì có thể không bỏ phiếu cho ông ta trong kỳ bầu cử; nhưng không thể nào có quyền bỏ phiếu để ông ta không đắc cử làm Bí thư của tổ chức Đảng. Như vậy, có thể có những đảng viên không hợp lòng dân nhưng bằng cách nào đó vẫn trở thành cán bộ lãnh đạo, vẫn thăng quan tiến chức mà người dân không thể giám sát được.
Cán bộ, đảng viên từ nhân dân mà ra, có trách nhiệm bảo vệ và chăm lo các quyền lợi hợp pháp của nhân dân. Thế nhưng khi có được một vị trí nào đó, có cán bộ đảng viên lại tự tách biệt mình với nhân dân, thành ra người của một tầng lớp khác. Như thế là xa dân. Đã xa dân thì không hiểu được dân, không nghe được dân nói nên không thể thực hiện việc lãnh đạo, quản lý của mình một cách có hiệu quả. Tình trạng cán bộ, đảng viên có xu hướng hành chính hóa, quan cách hóa, bàn giấy hóa, ít đi cơ sở, ít chịu đối thoại trực tiếp giữa người dân lâu nay đã được Đảng nhắc tới trong nhiều văn bản. Tuy nhiên, việc khắc phục hiện nay vẫn chưa được thực hiện triệt để. Trong thời gian tới, cần thực hiện rộng rãi và thực chất hơn nữa việc lấy ý kiến tín nhiệm của cán bộ, nhân viên với lãnh đạo các cấp, lấy ý kiến nhận xét của nhân dân về tác phong, đạo đức lối sống, quan hệ và cung cách vận động quần chúng của cán bộ, đảng viên nơi cư trú. Cần xem xét việc đề bạt và đánh giá, phân loại một cách khách quan đối với những đảng viên không đảm bảo tín nhiệm và có dư luận không tốt.
Cán bộ đảng viên có gần dân thì mới phát huy vai trò giám sát của người dân một cách hiệu quả. Đó cũng là một cách hữu hiệu để “nghe dân nói, nói dân hiểu”, từ đó mới có thể “làm dân tin” như nguyên tắc dân vận mà Bác Hồ đã dạy.
Vân Tâm (234 Võ Thị Sáu, TPHCM)
- Thực trạng đảng viên đông nhưng chưa mạnh
Trong những năm qua số lượng đảng viên trong toàn Đảng tăng lên rất nhanh. Các tổ chức cơ sở Đảng được thành lập mới ngày càng nhiều. Theo quy luật của sự phát triển, đây quả là điều rất đáng mừng. Tuy nhiên có sự phát triển không cân đối giữa lượng và chất, khi số lượng đảng viên hiện nay đông nhưng lại chưa mạnh. Điều này từ các cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng đến những đảng viên và thậm chí là người dân ai cũng biết.
Để tháo gỡ những khó khăn, hạn chế yếu kém, từng bước nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên, mỗi đảng viên phải không ngừng tìm hiểu, học tập để nâng cao trình độ nhận thức, lý luận chính trị của mình. Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tiêu chuẩn của người đảng viên: “Đảng viên và cán bộ cũng là người. Ai cũng có tính tốt và xấu. Song đã hiểu biết, đã tình nguyện vào một Đảng vì dân, vì nước, đã là một người cách mạng thì phải cố gắng phát triển những tính tốt và sửa bỏ những tính xấu. Vì tính xấu của một người thường có hại cho người đó; còn tính xấu của một đảng viên, một cán bộ, sẽ có hại đến Đảng, có hại đến nhân dân”. Phải nêu cao vai trò trách nhiệm của người đảng viên trong các buổi sinh hoạt, đặc biệt là sinh hoạt chi bộ. Mạnh dạn đấu tranh trên tinh thần phê và tự phê để nhận ra các điểm mạnh cần phát huy và khắc phục những yếu kém.
Các tổ chức cơ sở Đảng phải thực hiện tốt các quy định của Đảng, đặc biệt là các tiêu chuẩn của người đảng viên. Từ đó quán triệt đến từng đảng viên trong các buổi sinh hoạt thường kỳ. Phải nhạy bén trong vấn đề sâu sát đảng viên, các quần chúng ưu tú để nắm rõ tâm tư nguyện vọng, giải đáp thỏa mãn các thắc mắc có liên quan. Từng tổ chức cơ sở Đảng đến các đảng viên phải có chương trình, kế hoạch hành động cụ thể và phải cố gắng phấn đấu đạt được các mục tiêu đề ra. Cuối mỗi đợt phải tổng kết để đánh giá những mặt làm được và khắc phục những hạn chế. Công tác phát triển đảng phải thực hiện theo đúng quy định của Đảng, phù hợp với từng tổ chức đơn vị. Phải nắm rõ nguồn kết nạp đảng viên để từ đó đánh giá động cơ vào Đảng của từng quần chúng ưu tú. Phải làm tốt điều này nhằm tránh tình trạng cán bộ vào Đảng không phải muốn làm “đầy tớ của nhân dân” mà vào Đảng để mưu cầu danh lợi, thăng quan tiến chức.
Nên thường xuyên tổ chức các phong trào như cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Thanh niên làm theo lời Bác”, “Mỗi cán bộ đảng viên phải gương mẫu trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”… Từ đó nêu cao vai trò trách nhiệm của từng cán bộ đảng viên trong đơn vị. Bên cạnh đó, vấn đề khen thưởng, kỷ luật phải công tâm, nghiêm minh để tạo niềm tin tuyệt đối cho quần chúng nhân dân đối với tổ chức Đảng. Nếu đảng viên làm tốt thì phải khen thưởng, khuyến khích, ngược lại nếu làm không tốt phải khiển trách, kỷ luật, thậm chí khai trừ khỏi Đảng. Có như vậy từng tổ chức cơ sở Đảng mới trong sạch để xây dựng toàn Đảng vững mạnh, cân đối phát triển đồng đều giữa lượng và chất.
Anh Tuấn (Đảng bộ Trường Đại học Văn Hiến)
| |
| |