Cán bộ hội phụ nữ đa tài

Không chỉ tiên phong đến những vùng đất mới để khai hoang phục hóa, giúp gia đình và mọi người phát triển kinh tế trang trại, chị còn luôn đi đầu trong nhiệm vụ vận động, hỗ trợ, giúp đỡ hội viên nghèo xây dựng các mô hình sản xuất - chăn nuôi liên kết, qua đó góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững ở địa phương… Đó là chị Trần Thị Khang (52 tuổi, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh).
Cán bộ hội phụ nữ đa tài

Không chỉ tiên phong đến những vùng đất mới để khai hoang phục hóa, giúp gia đình và mọi người phát triển kinh tế trang trại, chị còn luôn đi đầu trong nhiệm vụ vận động, hỗ trợ, giúp đỡ hội viên nghèo xây dựng các mô hình sản xuất - chăn nuôi liên kết, qua đó góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững ở địa phương… Đó là chị Trần Thị Khang (52 tuổi, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh).

Chị Trần Thị Khang tại trang trại cây dó trầm bên tuyến đường Hồ Chí Minh

Đi lên từ nghèo khó

Phúc Trạch là xã miền núi nằm bên dòng sông Ngàn Sâu và tuyến đường Hồ Chí Minh, có diện tích đất tự nhiên 3.829,82ha, dân số 1.600 hộ với khoảng 6.000 nhân khẩu. Đời sống của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, trồng cây ăn quả, cây dó trầm và đi rừng… Năm 2004, sau khi được tín nhiệm bầu giữ chức Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Phúc Trạch, chị Khang nhận ra những khó khăn, vất vả đã gắn liền với người dân nơi đây từ lâu, vì vậy nếu muốn có cuộc sống khá hơn thì phải xây dựng, phát triển được những mô hình sản xuất - chăn nuôi liên kết mới.

Nghĩ là làm, chị dành nhiều thời gian tìm đến các địa phương trong tỉnh và sang tỉnh Quảng Bình, Nghệ An… học hỏi cách thức, kinh nghiệm làm giàu từ các mô hình kinh tế ở tỉnh bạn. Khi trở về, chị bàn tính với chồng vay vốn ngân hàng, người thân để đầu tư cải tạo, xây dựng chuồng trại tại vườn nhà để phát triển mô hình chăn nuôi heo siêu nạc. Lứa đầu chị nuôi 10 con heo giống nhưng do thiếu kinh nghiệm, cộng với khí hậu khắc nghiệt ở miền núi Phúc Trạch nên thất bại, phần lớn con giống bị chết, mất trắng hàng triệu đồng. Không nản chí, chị tiếp tục vay vốn mua thêm 20 heo giống mới về nuôi và bắt đầu cho kết quả khả quan. Khi đã tích lũy được ít vốn và kinh nghiệm, năm 2005, chị mở rộng quy mô chăn nuôi heo siêu nạc lên đến hàng trăm con và cũng thu được kết quả hơn mong đợi.

Đến năm 2006, thực hiện chủ trương của Nhà nước khuyến khích đi xây dựng vùng kinh tế mới, chị Khang tình nguyện tiên phong lên vùng rừng núi thuộc Làng thanh niên lập nghiệp bên đường Hồ Chí Minh rồi xin chính quyền xã Phúc Trạch cho nhận 2,5ha đất để khai hoang xây dựng trang trại. “Thời điểm đó, nơi đây toàn rừng núi hoang vu, hẻo lánh; đường giao thông, đường điện không có. Chồng con và bà con xóm làng phản đối nhiều lắm, vì nơi đây là vùng rừng thiêng nước độc nhưng tôi không bỏ cuộc. Thời gian đầu tôi thuê máy múc, máy đào về đào ao thả cá, xây các hầm chứa biogas, hệ thống chuồng trại khép kín nuôi heo siêu nạc, vịt, gà đồi; trồng cây dó trầm, cam, bưởi… với phương châm lấy ngắn nuôi dài và không lâu sau, trang trại đã đi vào ổn định”, chị Khang chia sẻ.

Chị Khang nhẩm tính: Hiện trang trại đã có hơn 1.000 cây dó trầm (bình quân 3-5 triệu đồng/cây), hơn 200 cây bưởi Phúc Trạch, 300 cây cam, trên 1.000 con gà đồi, 500 heo siêu nạc, 300 vịt siêu đẻ trứng, bán hàng tấn phân bón, 3 ao thả hàng tấn cá các loại, 5 con trâu bò… Bình quân mỗi năm, cả trang trại và ở vườn nhà mang về thu nhập 700-800 triệu đồng, thuê thêm 3 lao động thường xuyên với thu nhập gần 4 triệu đồng/người/tháng.  

Góp phần xóa đói giảm nghèo

Năm 2012, khi được tiếp cận với các chính sách khuyến khích về phát triển nông nghiệp của Nhà nước, chị Khang đi vận động 7 hội viên đầu tiên tham gia Hợp tác xã (HTX) chăn nuôi An Khang do chị làm chủ nhiệm và không phải lo đầu ra đầu vào, thức ăn, con giống, thuốc thú y, giá cả… Kết quả, cả 7 hội viên đều chăn nuôi có hiệu quả, thu nhập cao và ổn định. Sau đó, chị tiếp tục vận động các hội viên khác xây dựng thêm 61 mô hình sản xuất - chăn nuôi liên kết, trong đó có 2 tổ hợp tác chăn nuôi heo (20 hộ với gần 600 con), 5 mô hình chăn nuôi gà liên kết hơn 1.000 con, 2 HTX trầm hương (HTX Trầm hương Trung Trực, HTX Trầm hương Thọ Nga), trồng bưởi Phúc Trạch; cây dó trầm… đem lại thu nhập bình quân 250-500 triệu đồng/năm/mô hình.

Khi các mô hình làm ra được nhiều sản phẩm có chất lượng, chị Khang trực tiếp đến liên hệ với Công ty Khoáng sản và thương mại Mitraco Hà Tĩnh, Công ty Thức ăn chăn nuôi gia súc Austfeed… để ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm.

“Nhờ mô hình kinh tế mới làm ăn có hiệu quả nên đời sống các hội viên Hội Phụ nữ ở Phúc Trạch ngày càng đi lên, nhà nào cũng mua sắm được các phương tiện nghe nhìn, đi lại, có điều kiện chăm lo cho con cái ăn học. Các phong trào văn hóa văn nghệ được quan tâm và luôn là đơn vị nằm trong tốp dẫn đầu của huyện. Hôm nay thấy quê hương đổi mới, đời sống của hội viên khá lên, mình rất vui và phấn khởi”, chị Khang tâm sự.

Khi nói về chị Khang, nhiều hội viên Hội Phụ nữ ở xã Phúc Trạch có chung nhận xét chị là người cán bộ hội mẫu mực, nhiệt tình, say mê công tác, tận tình vận động, hỗ trợ vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm giúp nhiều hội viên xây dựng được các mô hình kinh tế mới để nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, qua đó góp phần đưa xã Phúc Trạch hoàn thành các mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới vào năm 2015.

Ghi nhận những đóng góp đó, nhiều năm qua chị Khang đã được UBND, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Hương Khê, UBND tỉnh Hà Tĩnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh… tặng nhiều bằng khen, giấy khen, biểu dương gương điển hình tiêu biểu xuất sắc trong công tác hội và phong trào phát triển kinh tế mới. Đặc biệt, năm 2015, chị vinh dự được bầu đi dự Đại hội Thi đua yêu nước do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức và được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen .

DƯƠNG QUANG

Tin cùng chuyên mục