Cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ, có biểu hiện suy thoái thì thay ngay

Ngày 28-12, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến với các địa phương triển khai nhiệm vụ kế hoạch kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017. Nhiều vấn đề quan trọng đã được đề cập trong ngày đầu tiên của hội nghị quan trọng này.

Ngày 28-12, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến với các địa phương triển khai nhiệm vụ kế hoạch kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017. Nhiều vấn đề quan trọng đã được đề cập trong ngày đầu tiên của hội nghị quan trọng này.

Niềm tin tăng lên mạnh mẽ

Nhìn lại năm 2016, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, đất nước có nhiều khó khăn, thách thức. Trong nước là một năm nhân tai, thiên tai khốc liệt xảy ra ở mọi miền đất nước. Tình hình quốc tế khu vực phức tạp khó lường. Cùng với đó là nhiều hạn chế tồn tại của nền kinh tế như sức cạnh tranh kém, nhiều doanh nghiệp nhà nước (DNNN) kém hiệu quả, thua lỗ. Một nguyên nhân khách quan nữa là năm 2016 triển khai nhiều văn bản pháp luật mới, chính sách mới, bàn giao công việc của Chính phủ nhiệm kỳ mới…

Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã chỉ đạo, điều hành quyết liệt với tinh thần xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm; tăng trưởng kinh tế khá (CPI tăng 4,74%; GDP tăng 6,21%, cao hơn các nước đang phát triển ở châu Á 5,5%, khu vực Đông Nam Á 4,5%) trong bối cảnh ngành khai khoáng và nông nghiệp gặp khó khăn rất lớn (mất 1% GDP do thiệt hại nông nghiệp, riêng vụ hải sản chết ở miền Trung làm thiệt hại 0,3% GDP, sản lượng dầu thô giảm 1 triệu tấn). Tín dụng tăng khoảng 17%; dự trữ ngoại hối đạt 41 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Tổng đầu tư toàn xã hội 33% GDP; xuất khẩu tăng 8,6%, xuất siêu 2,68 tỷ USD. Lần đầu tiên có trên 110.000 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký trên 891.000 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay, tăng 16,2% về số doanh nghiệp và 48,1% về vốn. Thu hút đầu tư nước ngoài đạt kỷ lục với lượng vốn thực hiện đạt 15,8 tỷ USD, tăng 9%, cao nhất từ trước đến nay. Môi trường kinh doanh được cải thiện. Việt Nam xếp thứ 82/190, tăng 9 bậc so với năm 2015… Như vậy, năm 2016, 12/13 chỉ tiêu cao hơn con số mà Chính phủ đã báo cáo Quốc hội vừa qua, chỉ có 1 mục tiêu không đạt đó là GDP. “Có thể nói khái quát, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, niềm tin thị trường, niềm tin xã hội tăng lên mạnh mẽ”, Thủ tướng nói.

Thẳng thắn nhìn rõ vụ Formosa, Trịnh Xuân Thanh

Tuy nhiên, những tồn tại, hạn chế năm 2016 cũng được Thủ tướng yêu cầu thẳng thẳn chỉ rõ. Đó là ngành khai khoáng giảm mạnh, giảm 1 triệu tấn dầu thô, tác động mạnh đến ngân sách Nhà nước. Thiên tai hoành hành; sự cố môi trường Formosa gây hậu quả nghiêm trọng, tác động đến tăng trưởng; các dự án ngàn tỷ thua lỗ, mất vốn; các ngân hàng thương mại mất vốn, rủi ro cao, có một số ngân hàng phải mua lại 0 đồng; tai nạn giao thông, cháy nổ nhiều; xảy ra nhiều vụ án giết người nghiêm trọng; có sai phạm trong công tác cán bộ mà vụ Trịnh Xuân Thanh là điển hình; xếp hạng quốc tế về năng lực cạnh tranh và đổi mới sáng tạo giảm (xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu giảm 4 bậc, ở vị trí 60; Việt Nam đứng thứ 6 trong các nước ASEAN…). Thủ tướng tái khẳng định tinh thần quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, nói đi đôi với làm... để phục vụ người dân, doanh nghiệp; hạn chế tình trạng cấp trên chỉ đạo nhưng “cấp dưới vâng vâng, dạ dạ mà không làm”.

Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương thẳng thắn nhìn rõ những hạn chế yếu kém, từ đó quyết tâm triển khai nhiệm vụ năm 2017 ngay từ những ngày đầu tháng đầu. Trong đó, cần tập trung cao độ cho việc hoàn thiện thể chế, tháo gỡ những điểm nghẽn, những rào cản đối với sự phát triển, làm sao để công tác điều hành năm 2017 đạt hiệu quả cao nhất. Thủ tướng yêu cầu phải tập trung lo cho doanh nghiệp phát triển, bảo đảm đến năm 2020 đạt mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp. “Muốn xây dựng nông thôn mới thành công thì phải phát triển được doanh nghiệp, hợp tác xã”, Thủ tướng nói.

Tại hội nghị, các địa phương cũng đã đưa ra nhiều kiến nghị với Chính phủ để thực hiện tốt nhiệm vụ 2017. Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, năm 2016 tăng trưởng của TPHCM khá cao, tạo tiền đề để đạt chỉ tiêu 2017. TPHCM sẽ tập trung nâng cao hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, phấn đấu trong năm 2017 thành lập mới 50.000 doanh nghiệp, đến năm 2020 sẽ có 500.000 doanh nghiệp. TPHCM kiến nghị Chính phủ tập trung nguồn vốn để xây dựng các công trình giao thông trọng điểm; tăng cường liên kết vùng; tiếp tục phân cấp mạnh mẽ hơn cho TPHCM… Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ rất quan tâm đến TPHCM, nhưng do tình hình khó khăn chung nên vừa qua giảm tỷ lệ điều tiết ngân sách của TP, Thủ tướng mong TPHCM phấn đấu, cùng hỗ trợ cả nước. Về kiến nghị phân cấp mạnh hơn cho đầu tàu kinh tế cả nước, Thủ tướng cho biết sẽ tiếp thu và nghiên cứu.

Thủ tướng cũng nhắc Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung về vấn đề ùn tắc giao thông của Hà Nội, trong đó nguyên nhân là cho xây dựng quá nhiều chung cư cao tầng trong nội đô. Vấn đề này đã được phân cấp cho Hà Nội. “Tôi dự khánh thành một cây cầu, nhìn xung quanh toàn nhà chung cư cao tầng”, Thủ tướng nói. Tương tự, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Đồng Nai quan tâm công tác cai nghiện, không để học viên trốn trại gây hoang mang dư luận…

Xóa bỏ “lợi ích nhóm”, “sân sau”

Hội nghị đã nghe Bộ trưởng Bộ Nội vụ báo cáo về dự thảo Nghị quyết ban hành Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Theo đó, dự thảo đề ra 8 nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện, yêu cầu các bộ ngành, địa phương quản lý, điều hành, kiểm soát việc thực thi quyền lực bảo đảm công khai, minh bạch, góp phần xóa bỏ tiêu cực, cơ chế “xin - cho”, “duyệt - cấp”. Ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, “lợi ích nhóm”, “sân sau”, trục lợi trong quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản công, thoái vốn, cổ phần hóa DNNN, vốn đầu tư, đất đai, tài nguyên, khoáng sản, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, quản lý và sử dụng biên chế. Kiên quyết sàng lọc, miễn nhiệm, thay thế, cho từ chức đối với cán bộ làm việc kém hiệu quả, không hoàn thành nhiệm vụ, yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức, tín nhiệm thấp mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác, nhất là cán bộ quản lý và người đứng đầu các cấp. Dự thảo cũng yêu cầu chấm dứt ngay tình trạng ăn uống, chè chén, liên hoan, gặp mặt khi hội họp, được đề bạt, thuyên chuyển công tác và việc tổ chức cưới hỏi, ma chay, giỗ, tết... xa hoa, lãng phí gây phản cảm trong dư luận xã hội. Trước mắt, tập trung xử lý ngay, dứt điểm đối với các dự án thất thoát, thua lỗ lớn, lãng phí, những vụ việc tham nhũng, tội phạm kinh tế và tội phạm về chức vụ nghiêm trọng, phức tạp... được dư luận xã hội, nhân dân quan tâm. Xử lý nghiêm minh đối với những cán bộ, công chức, viên chức sai phạm theo quy định của pháp luật.

Thủ tướng nhấn mạnh, những cán bộ vô cảm với dân, vô trách nhiệm với công việc, để thất thoát tài sản Nhà nước thì phải kiên quyết xử lý. Năm 2017 phải tập trung chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, chống lợi ích cục bộ, sân trước sân sau, chống sự trì trệ. “Cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ, có biểu hiện suy thoái thì thay ngay”, Thủ tướng yêu cầu. Đặc biệt, thêm lần nữa Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần cấp dưới không chúc tết cấp trên; các tỉnh, thành không ra Trung ương chúc tết. “Tết này, các đồng chí không phải đi thăm Thủ tướng, Phó Thủ tướng nữa. Không phải chỉ các đồng chí ở miền Nam đâu mà cả miền Bắc cũng vậy”, Thủ tướng nói. Thủ tướng chia sẻ, kinh nghiệm ở địa phương cho thấy, tết nhất là lo ngay ngáy quà tết biếu Trung ương. Không tới thì băn khoăn, tới thì xếp hàng khổ cực. Làm được vấn đề này thì nhẹ nhàng cho tất cả và còn tránh được tình trạng làm hóa đơn, chứng từ để “trí trá”. Thủ tướng cũng chỉ đạo khi Thủ tướng, các Phó Thủ tướng xuống các địa phương thì cũng rất giản đơn, không phải cử đoàn xe đưa đón.

Theo dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2017 do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trình bày, 3 chỉ tiêu quan trọng nhất là GDP 6,7%, lạm phát bình quân 4% và ngân sách phải bảo đảm cả Trung ương và địa phương. Ngay trong quý 1-2017, Chính phủ sẽ trình các đề án liên quan đến tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu và đổi mới DNNN, tái cơ cấu tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu…

Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 19 về những nhiệm vụ giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong 3 năm 2014 - 2016, định hướng đến năm 2020 do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trình bày cho biết, hiện nay chúng ta xếp thứ 82, để lọt vào trung bình ASEAN-6, tính cả Singapore, thì Việt Nam phải tiến tới vị trí 56, còn nếu muốn lọt vào trung bình ASEAN-4 thì chúng ta phải đứng thứ 43 trên thế giới. Nghị quyết số 19 đặt mục tiêu nâng thứ hạng năng lực cạnh tranh của Việt Nam từ 60 lên vị trí 50 theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục