Tạp bút

Cán bộ kiểu mới

Vừa qua báo chí có đề cập đến chuyện một số người xấu trong giới kinh doanh có hành vi chung chi, biếu xén…, làm hư hỏng cán bộ Nhà nước. Sự việc này gợi tôi nhớ lại tôi cũng đã từng biếu xén cho một cán bộ nhưng đã không thành.

Hè rồi, tôi có dịp qua Quảng Đông – Trung Quốc học tập kinh nghiệm. Với sự giúp đỡ của Lãnh sự quán Trung Quốc ở Việt Nam, đoàn chúng tôi được Sở Ngoại vụ tỉnh Quảng Đông cử cán bộ tiếp đón, sắp xếp chương trình và theo đoàn làm việc trong suốt thời gian ở Quảng Đông. Từ trước đến giờ, khi nghĩ về đất nước Trung Quốc tôi hay liên tưởng đến những con người thâm niên chững chạc. Vì thế khi Sở ngoại vụ cử cán bộ làm việc với đoàn là một thanh niên trên dưới 30 tuổi (được giới thiệu là ông Trương) thì tôi bị hẫng.

Ông Trương tóc hớt đầu đinh có vuốt gel, mặc áo sơ mi màu rêu vải linen, túi áo thêu thương hiệu Việt Tiến (Việt Nam). Bên ngoài ông khoác thêm cái áo veston nhẹ, sọc carô màu nóng đầy cá tính. Ông mang đôi giày màu da bò, có đường chỉ khâu thủ công tỉ mỉ, tay xách cặp loại hàng hiệu của Đức. Nhìn ông tôi hồ nghi, liệu ông ta có thể đảm nhận được chương trình làm việc khá nặng của đoàn?

Trong suốt thời gian làm việc ở Quảng Đông, tôi để ý để “khám phá” mẫu hình cán bộ Trung Quốc thời nay. Ông Trương là chuyên viên tiếng Đức, không phải tiếng Anh, nhưng vì thích đoàn doanh nhân Việt Nam nên ông đề nghị hoán đổi. Giọng nói ấm, cách phát âm chuẩn và cách dùng từ mượt mà của ông đã làm cậu trợ lý của tôi (học và ở bên Anh nhiều năm) có vẻ… choáng. Biết đoàn phải đi xa, sẽ tốn chi phí, ông chủ động sắp xếp chương trình làm việc cho đoàn. Chúng tôi được ông đưa đi rất nhiều nơi.

Hôm nào giờ làm việc cũng bắt đầu từ 8 giờ sáng đến 19 giờ tối, trưa không nghỉ. Ông lên kế hoạch kết nối đoàn với các cơ quan tỉnh Quảng Đông với quỹ thời gian sít sao. Vào hội nghị, ông chọn vị trí ngồi để có thể quan sát hết hội trường và với những lời lẽ từ tốn nhưng dứt khoát ông chủ động lèo lái cuộc họp vào trọng tâm, có nhiều nội dung để chúng tôi học tập.

Khi biết đoàn chúng tôi có sở trường nữa là đầu tư và kinh doanh địa ốc, ông đã tranh thủ ngoài chương trình, đưa đoàn tham quan một số dự án lớn đang thi công. Những ngày cuối, đuối quá, tôi muốn từ chối một vài điểm đến, nhưng không dám. Thấy ông cũng hốc hác, tôi nghĩ “sẽ bỏ bao thư thật xứng đáng với lòng nhiệt tình của ông”.

Kết thúc chương trình làm việc, với thái độ thật trân trọng, tôi đưa ông một bao thư rất dày. Tự nhiên mặt ông đỏ lên làm tôi phát hoảng. Từ tốn và chậm rãi, ông nói: “Nhà nước Trung Quốc trả lương rất cao, tôi không có gì phàn nàn về cuộc sống và rất thú vị với công việc của mình”. Màu đỏ trên mặt ông chuyển qua mặt tôi. Tôi chỉ biết nói với ông “ngàn lời” xin lỗi.

Sau chuyến đi này, tôi ngộ ra một điều: Khi cán bộ đã kiên quyết từ chối thì doanh nhân xấu dù có muốn lo lót, chung chi, biếu xén, hối lộ... cũng khó thực hiện. Và, một khi doanh nhân phải thường xuyên đỏ mặt, phải xin lỗi cán bộ Nhà nước vì tật xấu của mình thì… vận nước lên rồi.

Tạ Thị Ngọc Thảo

Tin cùng chuyên mục