Thực hiện Kết luận số 10/KL/TW ngày 26-12-2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (Khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí (Kết luận 10), Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM vừa đề ra kế hoạch triển khai với một loạt giải pháp quan trọng. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với đồng chí Trần Thế Lưu (ảnh), Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Nội chính Thành ủy TPHCM, xung quanh nội dung của kế hoạch này.
PHÓNG VIÊN: Xin đồng chí cho biết tình hình và kết quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí của TPHCM thời gian qua?
Đồng chí TRẦN THẾ LƯU: Thời gian qua, Ban Thường vụ Thành ủy đã đề ra nhiều kế hoạch, giải pháp và chương trình hành động thực hiện các nghị quyết của Trung ương về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Qua đó đã đạt được một số kết quả quan trọng, nhất là về tuyên truyền, đấu tranh, phòng ngừa tham nhũng, lãng phí. Một số giải pháp như: Thực hiện việc công khai, minh bạch các hoạt động của cơ quan, đơn vị, tổ chức; thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp và chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức; giám sát việc minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, đảng viên; về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng, lãng phí; cải cách hành chính…, đã có tác động tích cực trong việc phòng ngừa, hạn chế tình trạng tham nhũng, tiêu cực. Tuy nhiên, tình hình tham nhũng vẫn phức tạp và nghiêm trọng, các hành vi tham nhũng tiềm ẩn, có tổ chức chặt chẽ, khó phát hiện, xảy ra trên nhiều lĩnh vực, nhiều ngành; hầu hết hành vi tham nhũng được phát hiện từ đơn thư tố cáo, từ báo chí hoặc cấp trên qua kiểm tra, thanh tra phát hiện. Một số lĩnh vực như quản lý dự án đầu tư xây dựng, quản lý sử dụng đất đai, việc giao đất, sử dụng đất, công tác bồi thường, tái định cư để thu hồi đất, lĩnh vực tín dụng, ngân hàng… xảy ra nhiều vụ tham nhũng nghiêm trọng, tiền, tài sản của Nhà nước bị thất thoát, thiệt hại rất lớn.
Nguyên nhân của tình trạng trên là gì, thưa đồng chí?
Ban Thường vụ Thành ủy cũng chỉ ra nhiều nguyên nhân của thực trạng trên, trong đó có công tác tự kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, lãng phí ở một số cấp ủy cơ sở chưa được quan tâm đúng mức; lãnh đạo cấp ủy và người đứng đầu ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa quyết liệt trong thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng; ý thức trách nhiệm, tác phong, thái độ phục vụ của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa tốt, còn biểu hiện nhũng nhiễu, phiền hà, vô cảm trong giải quyết thủ tục hành chính của người dân và doanh nghiệp…
Trong kế hoạch thực hiện Kết luận 10, Ban Thường vụ Thành ủy xác định những nhiệm vụ, giải pháp gì và đâu là nhiệm vụ, giải pháp quan trọng nhất, thưa đồng chí?
Ban Thường vụ Thành ủy đề ra nhóm 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm và nhiệm vụ, giải pháp nào cũng quan trọng, cấp bách để bảo đảm thực hiện được yêu cầu và mục tiêu đề ra trong những năm tới là ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí. Trong đó, giải pháp về nâng cao vai trò, trách nhiệm và tính tiên phong, gương mẫu của cấp ủy, tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu được đặc biệt chú trọng. Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền các cấp phải gương mẫu, liêm khiết, nói “không” với tham nhũng, lãng phí và có thái độ quyết liệt, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; chủ động phòng ngừa, phát hiện, xử lý các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí và các hành vi bao che, dung túng, cản trở việc phòng, chống tham nhũng, lãng phí; chủ động yêu cầu các cơ quan chức năng báo cáo để lãnh đạo, chỉ đạo xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước, nhất là đối với các vụ án nghiêm trọng, phức tạp, xã hội quan tâm.
Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng trao đổi cùng các đại biểu tại Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí năm 2016, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2017. Ảnh: VIỆT DŨNG
Xin đồng chí nói thêm về những điểm mới trong nhóm nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống tham nhũng, lãng phí thực hiện theo Kết luận 10?
Đó là tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ cán bộ, đảng viên và nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực để ngăn ngừa tham nhũng, lãng phí. Trong giải pháp này có những điểm mới: Xây dựng chế tài xử lý người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, lãng phí; quy định xử lý, điều chuyển, miễn nhiệm, thay thế cán bộ lãnh đạo, quản lý có nhiều dư luận, uy tín giảm sút, có dấu hiệu tham nhũng, không hoàn thành nhiệm vụ. Ngoài ra, giải pháp về kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn (qua tăng cường kiểm tra, giám sát, xác minh việc kê khai tài sản, thu nhập; giải trình những khoản tăng, giảm tài sản, chi tiêu, giao dịch có giá trị lớn của người có chức vụ, quyền hạn; chế tài đối với người kê khai không trung thực) sẽ có tác động rất lớn đến công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng lãng phí, từng bước hình thành một nét văn hóa công vụ trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.
Xin cảm ơn đồng chí!
HOÀI NAM (thực hiện)