Cán bộ yếu, luật chồng chéo: Khiếu nại về đất đai “nóng”

Cán bộ yếu, luật chồng chéo: Khiếu nại về đất đai “nóng”

Theo báo cáo tổng kết của Ban Chỉ đạo TPHCM về phòng chống tham nhũng, trong năm 2008, toàn TP có 62 trường hợp khiếu nại đông người, với 2.948 lượt công dân thuộc 22 dự án. Về khiếu nại riêng lẻ, riêng Văn phòng tiếp công dân TP đã tiếp nhận 7.806 đơn khiếu nại, tố cáo, trong đó riêng lĩnh vực nhà đất chiếm 3.673 trường hợp (80,78%) - Những con số trên cho thấy, tình hình khiếu nại về lĩnh vực đất đai vẫn không giảm so với những năm trước, mặc dù Luật Khiếu nại, tố cáo (KNTC) đã có hiệu lực…

Cán bộ thiếu, yếu...

Ông Nguyễn Văn Quyền (phường Tăng Nhơn Phú B quận 9) tranh chấp lối đi chung với nhà kế bên, ông làm đơn khiếu nại gửi các cơ quan chức năng. Địa phương hòa giải thành, ông Quyền được trả lại lối đi. Sau đó, phát hiện một trường hợp mảnh đất nhà kế bên có nguồn gốc bất chính, ông Quyền làm đơn khiếu nại đến UBND phường.

Không được thụ lý do sai quy định, ông Quyền tiếp tục khiếu kiện lên cơ quan cấp trên và chuyển sang tố cáo bà Oanh lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đất công. Không nhận được câu trả lời thỏa đáng, ông Quyền tiếp tục theo đuổi vụ kiện trong gần 6 năm trời để tìm kết quả cuối cùng.

Bức xúc, ông bày tỏ: “Tôi chưa lần nào được cán bộ giải thích rõ ràng các quy định, trình tự về KNTC, chưa hề có một câu giải đáp thỏa đáng nên phải tiếp tục… kiện”. Sau gần 6 năm khiếu kiện, đến giờ ông Quyền cũng không biết mình kiện đúng hay sai!

Cán bộ yếu, luật chồng chéo: Khiếu nại về đất đai “nóng” ảnh 1

Cán bộ tiếp dân UBND huyện Bình Chánh TPHCM nhận và giải quyết đơn thư khiếu nại. Ảnh: H.H.

Ông Tr.S.H., ngụ Bùi Thanh Khiết thị trấn Tân Túc huyện Bình Chánh làm đơn khiếu nại gửi Thanh tra huyện về một quyết định cưỡng chế tài sản của UBND huyện vào đầu tháng 1-2008.

Không được giải thích hợp lý về các quy định của luật, ông “tức mình” gửi đơn khiếu kiện lên lãnh đạo Thành ủy, UBND TP, Thanh tra TP và các sở ngành. Kết quả, sau gần một năm trời chờ đợi, đại diện huyện Bình Chánh trả lời: trường hợp này huyện làm đúng quy trình, căn cứ vào Điều 39 Luật Đất đai (người bị thu hồi đất không chấp hành quyết định thì UBND có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế thu hồi đất. Sau này hồ sơ cưỡng chế không đúng thì cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người dân…).

Ông Nguyễn Văn Chí, Chánh Thanh tra huyện Bình Chánh nhìn nhận, nếu cán bộ cơ sở (UBND xã, ban bồi thường giải phóng mặt bằng xã) vận động, giải thích các quy định của pháp luật cho người dân thì có lẽ ông H. đã không khiếu kiện vượt cấp và kéo dài mất thời gian như vậy.

Ông còn dẫn chứng, trong một vụ khiếu nại kéo dài của người dân khu vực có đất bị thu hồi phục vụ dự án, nhờ tổ chức nhiều buổi đối thoại, giải thích cặn kẽ các quy định của pháp luật, nên đã có 66 người rút đơn khiếu kiện.

Đã từng giảng dạy về luật ở nhiều quận huyện, ông Hoàng Đức Long, Phó Chánh Thanh tra TPHCM cho rằng, một trong những khâu yếu hiện nay là trình độ của cán bộ cấp cơ sở, nhất là các kiến thức về quản lý đô thị, luật, quy hoạch, xây dựng…

Điều đó dẫn đến công tác tiếp dân cũng làm qua loa, hình thức. Nhiều người dân thắc mắc về các chính sách đất đai, đền bù giải tỏa nhưng không được cán bộ cơ sở giải thích đúng trình tự thủ tục, pháp lý đã góp phần dẫn đến việc khiếu kiện đất đai kéo dài và luôn “nóng” như thời gian qua.

Văn bản luật chồng chéo, thiếu nhất quán

Rà soát và trình UBND TP về hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực KNTC, Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Châu Minh Tỷ nhìn nhận vẫn còn nhiều bất cập.

Ông dẫn chứng một vài trường hợp cụ thể: Luật KNTC quy định “Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hết hạn giải quyết theo quy định tại Điều 36 của Luật KNTC mà khiếu nại không được giải quyết hoặc kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết lần đầu mà người khiếu nại không đồng ý thì có quyền khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án”.

Tuy nhiên, Luật Đất đai năm 2003 lại quy định “Trong thời hạn 45 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu mà người khiếu nại không đồng ý thì có quyền khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại TAND”.

Ngoài ra, tại một số văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai như Nghị định số 181/2004/NĐ-CP và Nghị định số 84/2007/NĐ-CP cũng quy định thời hạn giải quyết khiếu nại là 45 ngày.

Việc giải quyết khiếu nại đối với các quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý đất đai được điều chỉnh bằng 3 văn bản quy phạm pháp luật: Luật Đất đai (2003); Luật KNTC (sửa đổi, bổ sung năm 2005) và Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính (sửa đổi, bổ sung năm 2006) cũng chưa thống nhất về quyền khiếu kiện của người khiếu nại.

Ông Hoàng Đức Long, Phó Chánh Thanh tra TPHCM cho rằng cần khắc phục những tồn tại, vướng mắc trong thực thi Luật KNTC theo hướng tách Luật KNTC thành 2 luật riêng biệt, vì trong thời gian qua, UBND TP đã ban hành các quyết định giải quyết khiếu nại lần 2, trong đó có hướng dẫn người khiếu nại có quyền khởi kiện tại TAND TP. Tuy nhiên TAND TP từ chối thụ lý, điều này đã dẫn đến sự phản ứng của người dân đối với việc giải quyết không nhất quán của các cơ quan nhà nước.

Ngoài ra, các bộ ngành liên quan cần hướng dẫn thống nhất việc khiếu kiện của công dân, cụ thể là những trường hợp UBND cấp tỉnh ban hành quyết định giải quyết khiếu nại lần 2, cho phép chủ tịch UBND cấp huyện, tỉnh được ủy quyền tổ chức đối thoại giải quyết khiếu nại lần thứ nhất do đặc thù TPHCM có số lượng tiếp công dân và đơn thư quá lớn.

Cần sửa đổi Điều 36 và Điều 43 Luật KNTC theo hướng tăng thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 45 ngày và thời hạn giải quyết lần 2 không quá 60 ngày, trường hợp đặc biệt phức tạp thì không quá 90 ngày kể từ ngày thụ lý…  

HỒNG HIỆP – HOÀNG HOA

Tin cùng chuyên mục