
Phim truyền hình Việt Nam (VN) đang có sự tăng vọt về số lượng nhờ xã hội hóa. Còn về mặt chất lượng, phim truyền hình bắt đầu đi sâu khai thác một số lĩnh vực chuyên ngành như hình sự, thám tử, y tế, quảng cáo. Sự nhạy bén đáng khích lệ ấy khiến công chúng phập phồng chờ đợi những bộ phim hấp dẫn!
Sau loạt phim “Cảnh sát hình sự” nhận được nhiều khen chê khác nhau, bộ phim “Chạy án” bất ngờ gây xôn xao dư luận nhờ vài chi tiết và vài nhân vật trên phim có sự liên hệ gần gũi với chuyện thực. Người ta ngó cái ti vi không hẳn để thưởng thức tài năng đạo diễn hay tài năng diễn viên, mà để đoán xem ông quan chức X ấy, cô hoa khôi Y ấy, chính là ai ở ngoài đời. Xu hướng làm phim theo chi tiết vụ án thật ngoài đời đang được chú ý, tuy nhiên có được chút ít thành tựu như “Chạy án” cũng không phải đơn giản.

Cảnh trong phim “Gia tài bác sĩ”.
Những bộ phim lấy đề tài hình sự tiếp tục được ra đời trong sự hồ hởi bớt dần của khán giả. Bộ phim “Luật giang hồ” dài 50 tập gắn kết với nhau hơi rời rạc, đòi hỏi một sự kiên nhẫn nhất định nếu ai muốn xem hết toàn bộ diễn tiến câu chuyện trong phim.
Còn bộ phim “Truy tìm dấu vết” dài 20 tập, đang phát sóng trên HTV7, có nhiều tình huống chưa hợp lý. Ví dụ, tình huống một thương nhân trên đường lái ô tô về công ty, bị hai tên giang hồ dàn cảnh va quệt giao thông để cướp giật đồ.
Vậy mà, chỉ cần đến Công ty Bảo An B.A, thương nhân và thư ký phác thảo chính xác từng chi tiết hình xăm của tên cướp của để… truy bắt ngay lập tức! Tình huống khác, hai tên cướp nhìn thấy cô gái ở vũ trường đeo một sợi dây chuyền nên theo dõi, và ra tay giật trước khách sạn cô gái cư trú. Cô gái chỉ cần nhờ cậy Công ty Bảo An, thì bằng phán đoán siêu tốc, nhân viên công ty xác định bây giờ kẻ cướp đang ăn mừng nên… quay lại vũ trường tóm cổ.
Chỉ cần nhìn nhận một cách khách quan, chúng ta dễ dàng thấy rằng, đề tài càng riêng biệt càng gây hứng thú cho cả người sản xuất và người thưởng thức. Thế nhưng, những ngành nghề riêng biệt lại đòi hỏi khắt khe về kiến thức chuyên môn, về trình độ lý giải, về khả năng dàn dựng. Chẳng hạn, với đề tài y tế.
Trước đây Hãng phim truyền hình VN khá thành công với bộ phim “Lời thề Hippocrate” và Hãng phim truyền hình TPHCM cũng có bộ phim “Blouse trắng” tương đối thuyết phục. Thế nhưng, những bộ phim gần đây như “Nữ bác sĩ” và “Gia tài bác sĩ” vẫn chưa thể mang lại những giá trị cảm xúc mới! Dù không cần rạch ròi lỗi do ai và lỗi vì đâu, nhưng trước hết phải thẳng thắn xác định “có tích mới dịch nên tuồng”. Kịch bản “Lời thề Hippocrate” do nhà văn Phan Cao Toại vốn là một bác sĩ lành nghề chấp bút, còn kịch bản “Blouse trắng” được nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn khéo léo lồng chuyện đời vào chuyện nghề nên không xảy ra sự xô lệch đáng tiếc nào!
Ngoài hai đề tài hình sự và y tế đang “nóng”, phim truyền hình cũng hướng máy quay cận cảnh vào vài đề tài khác như người mẫu, quảng cáo, ca sĩ, viết lách… Đó là nỗ lực tiếp cận đời sống trắc ẩn hơn, lắt léo hơn của những nhà làm phim. Giếng càng sâu thì nước càng trong, ai cũng biết điều ấy. Và ai cũng biết một điều giản dị nữa, muốn có giếng sâu thì phải có máy khoan thật tốt.
Nếu nhà biên kịch và đạo diễn chưa trang bị được sự am hiểu chuyên ngành, thì có lẽ phải mời chuyên gia từng lĩnh vực làm cố vấn, để mang đến cho người xem những bộ phim hay. Nếu thiện chí hơn nữa, chúng ta thử trông sang Hồng Công và Hàn Quốc, những bộ phim truyền hình như “Hồ sơ trinh sát”, “Đội điều tra đặc biệt”, “Lực lượng hải quan” hay “Anh em nhà bác sĩ”, “Bàn tay nhân ái”, “Ngọn lửa trắng”… được làm bài bản, hợp lý.
Phim truyền hình VN đang hội nhập, chúng ta đã can đảm làm phim cận cảnh vào vài lĩnh vực chuyên môn thì cũng chẳng có gì sợ sệt khi tập so sánh với thiên hạ! Đó là một tham vọng lương thiện của những nhà làm phim chuyên nghiệp!
Tuy Hòa