Vườn văn trẻ đa sắc

Có một tín hiệu đáng mừng là ngày càng có nhiều tác giả trẻ tham gia vào Hội Nhà văn TPHCM. Trong danh sách hội viên được kết nạp vừa qua, có nhiều cây bút thuộc thế hệ 9X, gen Z. Các bạn đã cùng tạo nên vườn văn trẻ đa sắc nơi thành phố mang tên Bác.

Đa dạng và hùng hậu

Trong danh sách hội viên Hội Nhà văn TPHCM vừa được kết nạp có 6 tác giả dưới 35 tuổi, gồm: Đoàn Nguyễn Anh Minh (sinh 1999, thơ); Lương Huỳnh Trọng Nghĩa (sinh 1993, dịch); Trần Quốc Tuấn (sinh 1997, văn xuôi); Emma Hạ My (sinh 2003, văn xuôi); Nguyễn Thị Như Hiền (sinh 1990, văn xuôi); Huỳnh Hữu Phước (sinh 1997, dịch).

F6a.jpg
Các tác giả trẻ của TPHCM tại Sân thơ trẻ trong Ngày thơ Việt Nam năm 2025

Bên cạnh những cái tên kể trên, còn rất nhiều tác giả sinh từ 1990 trở về sau, cũng đang nỗ lực và khẳng định mình với văn chương. Đó là Nguyễn Dương Quỳnh (1990), được ví như một “tắc kè hoa” trong khu vườn văn chương trẻ TPHCM hiện nay khi sáng tác đa dạng thể loại: hiện thực, kỳ ảo, trinh thám, lịch sử, thiếu nhi…; hay Huỳnh Trọng Khang (1994), cây bút từng gây chấn động khi ra mắt tiểu thuyết đầu tay Mộ phần tuổi trẻ ở tuổi 22. Đến nay, Trọng Khang có thêm Những vọng âm nằm ngủ, Phật trong hẻm nhỏ, Bể trăng côi (giải Nhà văn trẻ của Hội Nhà văn TPHCM năm 2023), Bơ không phải để ăn, Khu rừng trong chai… và cũng vừa ra mắt truyện dài dành cho thiếu nhi Bầy cừu bay ngang thành phố do NXB Kim Đồng ấn hành.

Cũng không thể không nhắc đến Trần Văn Thiên (sinh 1999, tốt nghiệp Trường ĐH Y Dược TPHCM), dù chưa có tác phẩm in riêng nhưng sức viết cũng như những thành tựu văn chương bước đầu là điều ai cũng phải ghi nhận và chờ đợi ở cây bút trẻ này. Tại Giải thưởng Văn học trẻ Đại học Quốc gia TPHCM, Trần Văn Thiên liên tục được xướng danh ở những thứ hạng cao: giải nhất thơ lần 1 năm 2022; giải nhất truyện ngắn và giải nhì tản văn lần 2 năm 2023.

Về thơ, không thể không nhắc đến Đặng Văn Hùng (sinh 1992). Từ TP Cần Thơ, anh lên TPHCM dạy học, rồi từng bước hòa nhập vào đời sống văn chương tại đây. Sau Thổi hoa về biển, Nơi những vườn cây yên ngủ, mới đây anh vừa ra mắt tập thơ thứ 3 - Bài ca sau mưa. Thơ Đặng Văn Hùng chinh phục bạn đọc bởi những lát cắt êm dịu, bình yên trong đời sống qua những con chữ cô đọng, súc tích.

Ngoài ra, còn có Minh Anh (2007) với giải A Giải thưởng Văn học nghệ thuật năm 2023 của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam cho tập thơ Một ngày từ bên trong; Vĩ Hạ (sinh 2005, sinh viên Trường Đại học KHXH và NV - Đại học Quốc gia TPHCM) với Giải thưởng Tác giả trẻ Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022 cho tập thơ Đi tìm những bóng người.

Dung nạp và dung hòa

Điều dễ nhận thấy trong khu vườn văn trẻ TPHCM hiện nay là sự đa dạng trong khuynh hướng sáng tác. Bên cạnh dòng văn học chính thống là sự sôi nổi của dòng văn học thị trường (tạm gọi). Hai dòng văn học này không đối chọi mà song hành nhau. Các tác giả không có sự phân biệt mà cùng tôn trọng lựa chọn của nhau. Ở dòng văn học thị trường, nổi bật có Lâm Phương Lan (sinh 1991, hội viên Hội Nhà văn TPHCM) với loạt tác phẩm Đừng tức giận số phận, Ai dắt em đi qua nỗi đau, Mụ ghẻ, Vấp ngã tuổi 20...

Cũng có trường hợp “một mình hai vai” như tác giả Yang Phan (1994), từng đoạt giải nhì (không có giải nhất) Văn học tuổi 20 lần 7 với truyện dài Vụn ký ức. Trước đó, anh sử dụng tên thật của mình là Phạm Anh Tuấn dưới những truyện dài về tâm lý có màu sắc trinh thám như Bẫy, Đánh đổi…

Đặc biệt, văn học trẻ TPHCM cho thấy sự năng động và sáng tạo khi hầu như đề tài, thể loại nào cũng có thể tìm thấy ở các tác giả trẻ nơi đây. Thể loại tâm lý, trinh thám có Võ Chí Nhất (1993, hiện là thượng úy công an) với Khiếu ăn mày, Muội tro, Án sau vết chân…; Trần Đạt Bạch Dương (1996) với tiểu thuyết Dự án cháy chợ. Trong khi đó, những nữ tác giả như Emma Hạ My lại đang theo đuổi đề tài kinh dị với Sĩ số lớp vắng 0, Tổng đài kể chuyện lúc 0h; An An với đề tài lịch sử Lê sơ chi mộng; Nguyễn Thị Như Hiền chuyên tâm theo đề tài từ chất liệu đời sống với Mưa qua Triền Rang, Ngồi bên hiên nhìn nắng…

Đoàn Nguyễn Anh Minh (sinh viên năm 4, khoa Quản trị kinh doanh, ĐH Ngân hàng TPHCM) hiện đã xuất bản 2 tập thơ: Tôi học ca hát như những cuộc vui mình đã chọn và Không còn thơ anh vẽ cho em những hình sao không hái từ trời, chia sẻ: “Điều đặc biệt là dòng chảy thơ ca thành phố rất phong phú, đa dạng, không chỉ đến từ những người được sinh ra và lớn lên ở đây mà còn rất nhiều người khắp xứ về đây sinh sống và học tập. Chính nhờ những điều kiện này mà các tác giả trẻ như chúng tôi dễ dàng có được sự kết nối, học hỏi kinh nghiệm của nhau”.

Tin cùng chuyên mục