Cần chính sách sử dụng thiên địch trong canh tác rau an toàn

Chương trình “Phân tích xu  hướng công nghệ” do Trung tâm Thông tin KH-CN TPHCM (Sở KH-CN TPHCM) tổ chức vào cuối tuần qua với chủ đề “Xu hướng sử dụng thiên địch trong canh tác rau an toàn trong nhà kính nhà lưới” được khá đông các nhà khoa học, nhà nông nghiệp ở TPHCM cũng như các tỉnh thành lân cận tham gia…

Sản xuất rau sạch, rau an toàn trong nông nghiệp đô thị đã trở thành nhu cầu cấp thiết của xã hội trong quá trình đô thị hóa, ngoài yếu tố bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng còn có ý nghĩa rất lớn về kinh tế và khoa học. Chính vì thế các nhà khoa học tham dự chương trình trên đều khẳng định, nghiên cứu khai thác lợi dụng thiên địch tự nhiên để phòng chống sâu hại hiệu quả là một hướng quan trọng trong phát triển biện pháp sinh học, là biện pháp chủ đạo của hệ thống phòng trừ dịch hại tổng hợp (IPM) và là nhiệm vụ quan trọng trong phát triển nông nghiệp bền vững. Tuy nhiên so với cách phun thuốc trừ sâu, việc sử dụng thiên địch dường như còn mới mẻ và lạ lẫm với bà con nông dân ở nước ta, thạc sĩ Nguyễn Văn Đức Tiến, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật TPHCM cho biết như vậy.

Nước ta có rất nhiều công trình nghiên cứu về vấn đề trên. Từ năm 2009, các nhà khoa học ở Trường Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội thực hiện nhân nuôi nhện và bọ xít bắt mồi. Qua điều tra cho thấy, loài nhện bắt mồi Amblyseius xuất hiện rất phổ biến trên các cây trồng bị nhện đỏ gây hại ở Việt Nam, kết quả nhân nuôi trong phòng thí nghiệm và ngoài đồng đều cho thấy loài này có tỷ lệ tăng tự nhiên cao, có sức ăn nhện hại lớn và hoàn toàn có khả năng khống chế số lượng nhện đỏ gây hại ngoài tự nhiên. Đặc biệt, việc nhân nuôi nhện bắt mồi lại rất thuận lợi với khí hậu miền Bắc nước ta. Hay các nhà khoa học thuộc Bộ môn côn trùng, thuộc Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội cũng tiến hành nhân nuôi bọ xít bắt mồi Orius sauteri để tiêu diệt bọ trĩ có kích thước nhỏ gây hại trên cà tím, bầu, bí xanh, đậu đỗ, dưa chuột, khoai tây, đó là chưa kể hàng trăm nghiên cứu của các cá nhân khác…

Còn trên thế giới, hiện nhiều công ty đã có quy trình công nghệ sản xuất các loài thiên địch trên quy mô lớn và có những thành tựu trong việc ứng dụng thiên địch phòng trừ sâu hại cây trồng. Như Công ty Sinh học Koppert ở Hà Lan đã sản xuất hàng loạt nhện bắt mồi, ong ký sinh… cung cấp cho nông dân thả trên đồng ruộng và nhà kính trồng dưa chuột, ớt ngọt, cà chua, dâu tây, hoa hồng… Nhờ đó các sản phẩm rau, quả và hoa rất an toàn vì người nông dân Hà Lan không phải dùng tới bất cứ loại thuốc hóa học nào.

Thạc sĩ Nguyễn Văn Đức Tiến khẳng định, sử dụng thiên địch để khống chế sâu hại, cân bằng sinh thái đồng ruộng là giải pháp mà ai cũng muốn nhưng không phải ai cũng thực hiện được nếu không được đưa vào dự án quốc gia để có chỉ đạo tập trung và kinh phí thực hiện. Muốn thực hiện được biện pháp này, thạc sĩ Nguyễn Văn Đức Tiến cho rằng nhà nước cần có chính sách ưu tiên phát triển sản xuất gia công thuốc bảo vệ thực vật vi sinh không độc hoặc ít độc cho môi trường và thiên địch; đầu tư tập trung hướng dẫn nông dân thực hiện các giải pháp canh tác an toàn về sâu bệnh đó là đầu tư và khôi phục chương trình huấn luyện IPM và hoạt động IPM cộng đồng (quản lý dịch hại tổng hợp) trên cây lúa và đầu tư mở rộng trên cây rau… và nhà nước cũng cần có chủ trương và chính sách thương mại hóa việc sản xuất sử dụng thiên địch trong sản xuất…

BÁ TÂN

Tin cùng chuyên mục