Nhiều năm qua, công nhân và người lao động từ nhiều vùng quê khác nhau đã đến làm việc tại TPHCM, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế-xã hội của thành phố này. Thế nhưng cuộc sống của họ lâu nay không được quan tâm đúng mức. Những khó khăn, thiếu thốn từ chỗ ở, ăn uống, giải trí đến nhu cầu tình cảm, dù được báo chí phản ánh, nhưng vẫn không được cải thiện rõ rệt.
Trong khi đó, yêu cầu về tay nghề, nâng cao năng suất thì liên tục được đề cập, đòi hỏi. Đây là một vòng luẩn quẩn: có tay nghề cao thì năng suất lao động mới cao, năng suất cao thì mới tăng thu nhập, cải thiện được đời sống người lao động.
Và đời sống người lao động có cải thiện thì mới tạo điều kiện để tăng năng suất, mới có cơ hội học tập để nâng cao tay nghề. Phá vỡ vòng luẩn quẩn này có lẽ không gì khác hơn là cần sự “đột phá” của các ngành, các doanh nghiệp và vai trò của xã hội: Hãy cho công nhân một cuộc sống thực sự tốt hơn trước khi đòi hỏi ở họ.
Lâu nay, ta vẫn nghe những chuyện chưa hay về công nhân như ý thức kỷ luật không cao, hay bỏ việc (nhất là vào dịp sau Tết), hay đình công sai luật… Đó là một thực tế. Tuyệt đại đa số công nhân tha hương cũng chỉ mong một cuộc sống tốt đẹp hơn bằng chính sức lao động của mình.
Theo chúng tôi, hãy đặt mình vào vị trí của người công nhân với thu nhập trên dưới một triệu đồng/tháng trong khi vật giá cứ tăng vùn vụt. Hãy thử một lần sống vài ngày trong nhà trọ. Hãy thử vào phân xưởng làm việc như họ trong điều kiện chật chội, độc hại và nhất là áp lực tinh thần, bị trừ lương vô cớ… Có vậy mới cảm thông được những khó khăn mà họ đang phải gánh chịu và nỗ lực vượt qua.
Theo chúng tôi, cần có quy định về tiền lương sao cho phù hợp với thực tế hơn, có chế độ bảo hiểm theo hướng có lợi cho người lao động. Cần có quy định về tăng ca, nghỉ phép, nghỉ ốm, nghỉ hộ sản hợp lý hơn cùng những chính sách khuyến khích doanh nghiệp quan tâm đến đời sống công nhân và chế tài đối với các doanh nghiệp vi phạm.
Các doanh nghiệp nên có sự tính toán dài hơi và nhân văn trong sử dụng người lao động, tạo điều kiện cho họ gắn bó lâu dài với sự phát triển của mình bằng các đãi ngộ về nhà ở, khen thưởng, học tập…
Các địa phương cần quản lý chặt chẽ hơn các khu nhà trọ để đảm bảo an toàn, tiện lợi hơn cho công nhân. Trách nhiệm này còn thuộc các địa phương có người dân tha hương làm công nhân. Chính nơi đây phải nắm được số lượng, trình độ, tay nghề, nguyện vọng… của tầng lớp này để có những định hướng và giúp đỡ cần thiết, tận tình thay vì cứ để mặc họ tự “bơi” như hiện nay.
Nguyễn Minh Hải
(TPHCM)