(SGGP).- Ngày 28-5, tại TPHCM, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) tổ chức hội thảo góp ý xây dựng Luật Báo chí. Tham dự có đại biểu của các cơ quan báo chí, quản lý báo chí các tỉnh, TP phía Nam.
Luật Báo chí mới gồm 6 chương, 58 điều (có 35 điều mới và 23 điều được sửa đổi bổ sung), dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp tháng 10-2015. Luật Báo chí mới sẽ thay thế Luật Báo chí năm 1989 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí năm 1999. Thứ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn chỉ rõ, việc xây dựng Luật Báo chí mới phải đáp ứng các yêu cầu: tạo điều kiện thuận lợi cho báo chí phát triển đúng định hướng, đúng pháp luật; đáp ứng tốt hơn nữa quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và đặc biệt là quyền tiếp cận thông tin của công dân phù hợp với điều kiện phát triển của đất nước; đề cao trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ của các cơ quan báo chí, nhà báo cũng như trách nhiệm của toàn xã hội đối với hoạt động báo chí…
Theo dự thảo Luật Báo chí, tuổi đảm nhiệm chức danh người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan báo chí không quá tuổi nghỉ hưu của Luật Lao động; trường hợp đặc biệt không quá 5 năm so với quy định của Luật Lao động. Góp ý về điểm này, ông Võ Văn Long, Phó Giám đốc Sở TT-TT TPHCM cho rằng, cần nêu rõ trường hợp “đặc biệt” là trường hợp như thế nào và ai, cơ quan nào sẽ xác định người nào đó là “trường hợp đặc biệt”? Có như vậy, mới tránh chuyện không hay. Trước xu thế phát triển trang thông tin điện tử có màu sắc như báo điện tử khiến người dân nhầm lẫn, ông Võ Văn Long đề nghị, cần nghiên cứu xem xét điều chỉnh đối tượng này; nếu bỏ sót, không điều chỉnh, sẽ là một sơ hở rất lớn trong quản lý nhà nước về báo chí.
Về liên kết trong hoạt động báo chí, dự thảo nêu tổ chức, cá nhân nước ngoài được phép liên kết khai thác hoặc mua toàn bộ bản quyền về măng sét, nội dung các ấn phẩm báo chí hợp pháp của Việt Nam để xuất bản tại nước ngoài. Ông Nguyễn Quang Thông, Tổng Biên tập Báo Thanh niên góp ý, cần ghi rõ đó là trường hợp sử dụng nguyên văn tiếng Việt. Còn nếu dịch sang tiếng nước ngoài, thì cần có quy định thêm về điều kiện như phải đảm bảo tính khách quan, trung thực… Về quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân, Tổng Biên tập Báo Thanh niên nêu vấn đề trong quá trình hội nhập, có các công dân nước ngoài sinh sống và làm việc ở Việt Nam. Vậy bản thân họ có là đối tượng được thể hiện quyền tự do ngôn luận trên báo chí Việt Nam hay không?
Theo ông Đỗ Danh Phương, Tổng Biên tập Báo Người lao động, trong Điều 5 của dự thảo Luật Báo chí, nhiệm vụ của báo chí rất nặng nề mà quyền hạn thì không rõ ràng. Nếu không chỉ rõ quyền hạn, báo chí hoạt động rất khó khăn. Luật cần ghi rõ quyền hạn của báo chí.
Ông Phương cũng nêu tình trạng, hiện rất nhiều người, nhiều cơ quan, đơn vị muốn truy hỏi nguồn tin của cơ quan báo chí, nhà báo. Khoản 3, điều 36 dự thảo Luật Báo chí ghi cơ quan báo chí và nhà báo có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ tên người cung cấp thông tin nếu có hại cho người đó, trừ trường hợp có yêu cầu của Viện trưởng Viện KSND, Chánh án TAND cấp tỉnh và tương đương trở lên và cần thiết cho việc điều tra, xét xử. Để cơ quan báo chí, nhà báo bớt khó xử, bớt áp lực, theo ông Phương, luật cần ghi thêm, nghiêm cấm việc truy hỏi nguồn tin ngoài trường hợp nêu trên.
Về việc cung cấp thông tin cho báo chí, Tổng Biên tập Báo Người lao động phản ánh, nhà báo khi tác nghiệp vẫn gặp rất nhiều cản trở, không được cung cấp thông tin. Quy chế phát ngôn quy định một số người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí đã vô hình trung dẫn tới trên thực tế nhiều người khác né tránh trả lời và cản trở báo chí hoạt động. Nếu đã nêu ra vấn đề phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí thì cũng cần đặt ngược vấn đề, quy trách nhiệm với cá nhân, tập thể không hợp tác với cơ quan báo chí, với nhà báo. Vì vậy, cần có điều luật cụ thể quy định rõ hình thức xử lý, xử phạt với các trường hợp cản trở, không cung cấp thông tin trung thực cho báo chí.
Tiếp thu các ý kiến góp ý, Thứ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn cho biết, mong tiếp tục nhận được nhiều ý kiến góp ý hơn nữa qua Cổng thông tin điện tử của Bộ TT-TT và các kênh tiếp nhận ý kiến khác về dự thảo Luật Báo chí.
MẠNH HÒA