Cần có hợp tác xã cao su để phát triển hộ tiểu điền

Ngày 27-4, Hiệp hội Cao su Việt Nam đã tổ chức hội thảo 'Liên kết tiêu thụ sản phẩm cao su tiểu điền: Thực trạng và ý nghĩa đối với sản xuất cao su bền vững tại Việt Nam', để định hướng, phát triển các hộ cao su tiểu điền.
Các hộ cao su tiểu điền chiếm khoảng 50% diện tích cao su nhưng vẫn chưa liên kết thành chuỗi để phát triển bền vững
Các hộ cao su tiểu điền chiếm khoảng 50% diện tích cao su nhưng vẫn chưa liên kết thành chuỗi để phát triển bền vững

Theo Hiệp hội Cao su, năm 2020, giá trị xuất khẩu của ba nhóm mặt hàng này đạt gần 7,9 tỷ USD, trong đó xuất khẩu cao su thiên nhiên đạt trên 2,38 tỷ USD, các mặt hàng từ gỗ cao su đạt 2,36 tỷ USD và nhóm sản phẩm cao su đạt trên 3,11 tỷ USD.

Việt Nam hiện có khoảng 926.000ha cao su, bao gồm cả đại điền và tiểu điền. Cao su tiểu điền bao gồm cao su thiên nhiên và gỗ, có vị trí ngày càng quan trọng trong chuỗi cung cao su của Việt Nam, với diện tích 479.000ha, chiếm 51% tổng diện tích cao su cả nước, với lượng cung trên 732.000 tấn mủ quy khô mỗi năm, chiếm gần 62% tổng lượng mủ được khai thác trên toàn diện tích cao su cả nước. Cùng với đó, nguồn gỗ cao su từ các vườn cao su tiểu điền thanh lý cũng ở mức 1,3 triệu m³ quy tròn, tương đương 22% tổng lượng cung gỗ cao su toàn quốc.

Hiện nay, ngành cao su đã và đang hội nhập sâu rộng với thị trường quốc tế. Nhiều thị trường yêu cầu các sản phẩm từ mủ và gỗ cao su được sản xuất theo phương thức bền vững, có nguồn gốc rõ ràng và hợp pháp. Điều này đồng nghĩa, các hộ tiểu điền hiện đang trực tiếp cung cấp mủ và gỗ cao su cho các chuỗi cung toàn cầu này cần tuân thủ các yêu cầu của thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, thông tin từ các khâu trong chuỗi cung đều thiếu, bao gồm thông tin về liên kết giữa các hộ tiểu điền và các đơn vị thu mua, đồng nghĩa với việc không đáp ứng được các yêu cầu của thị trường xuất khẩu.

Theo Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam, hiện nhà nước và một số dự án, tổ chức đã và đang thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển cao su tiểu điền, nhưng quy mô của các hoạt động này thường nhỏ, không đủ để đem lại những lợi ích thiết thực cho số đông các hộ tiểu điền. Các hộ tiểu điền kết nối với thị trường cho các sản phẩm đầu ra chủ yếu qua hệ thống các đại lý, khiến phát sinh các chi phí và lưu trữ thông tin làm cơ sở cho truy xuất nguồn gốc thông tin khó khăn hơn. Để hộ tiểu điền liên kết, có thể hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã sẽ trở thành đơn vị đại diện cho quyền lợi hợp pháp và chính đáng của hộ. Từ đó, hộ tiểu điền được sẽ được chăm lo, bảo vệ quyền lợi.

Tin cùng chuyên mục