Cần có luật về hoạt động giám sát và phản biện xã hội

Ngày 19-2, hội nghị lấy ý kiến các vị trong Ban thường trực, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam các thời kỳ, Ban Chủ nhiệm các Hội đồng Tư vấn của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã được tổ chức tại Hà Nội.

Ngày 19-2, hội nghị lấy ý kiến các vị trong Ban thường trực, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam các thời kỳ, Ban Chủ nhiệm các Hội đồng Tư vấn của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã được tổ chức tại Hà Nội.

Vai trò, vị trí của MTTQ, việc thực hiện quyền giám sát và phản biện xã hội là một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm góp ý kiến. Theo PGS-TS Phạm Xuân Hằng, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hà Nội, MTTQ Việt Nam được Hiến pháp xác định có vị trí rất quan trọng, “là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân”. Nhưng trên thực tế, việc thể chế hóa một số mặt hoạt động của mặt trận chưa sát với vị trí của MTTQ Việt Nam. Chẳng hạn, về giám sát, các hình thức giám sát được luật định là: Động viên nhân dân thực hiện quyền giám sát, tham gia giám sát cùng chính quyền, tổng hợp ý kiến cử tri. Như vậy, những hoạt động ấy mới chỉ là những hiện tượng “ngoài cuộc”, chưa phải với tư cách chủ thể ủy thác quyền lực, chủ thể có vị trí “là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân” như Hiến pháp đã quy định.

PGS-TS Phạm Xuân Hằng cho rằng, vấn đề giám sát và phản biện xã hội cần phải được Hiến pháp quy định cụ thể, rõ ràng hơn trong điều kiện hệ thống chính trị Việt Nam do một tổ chức chính trị duy nhất là Đảng ta lãnh đạo. Việc đưa phạm trù phản biện xã hội vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 là đúng và cần thiết, tuy nhiên trình bày như trong Dự thảo chưa thể hiện được ý nghĩa quan trọng của hoạt động này, đồng thời chưa phản ánh được tầm chủ trương của Đảng về phản biện xã hội. Nhiều ý kiến cũng đồng tình cần trình bày lại Điều 9 theo hướng dân chủ hơn nữa bởi nếu không được đảm bảo bằng Hiến pháp và pháp luật và có chế tài, việc thực hiện quyền giám sát sẽ khó được thực hiện.

Góp ý Điều 4, ông Trần Đình Phùng, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng cần làm rõ hơn vấn đề Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội để phát huy đầy đủ quyền lãnh đạo của Đảng và khẳng định sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi cách mạng Việt Nam. Đảng phải nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực tổ chức để đủ sức giải quyết các vấn đề thực tiễn cách mạng đặt ra; phòng và chống những nguy cơ suy thoái biến chất của cán bộ, đảng viên. Cần thể chế hóa vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản trong Hiến pháp sửa đổi.

Đề cập Điều 120 của Dự thảo quy định về Hội đồng Hiến pháp, một số ý kiến cho rằng đây là thiết chế mới, lần đầu tiên xuất hiện trong Hiến pháp nước ta với ý nghĩa là cơ quan kiểm soát việc thực hiện quyền lực nhà nước, bảo đảm sự đúng đắn và thượng tôn Hiến pháp - Văn bản có giá trị pháp luật cao nhất. Tuy nhiên, nếu Điều 120 chỉ quy định thẩm quyền “kiến nghị” của Hội đồng Hiến pháp mà không có thẩm quyền “phán quyết” đối với các luật, văn bản pháp quy và quyết định không phù hợp với Hiến pháp của các cơ quan nhà nước thì thực chất, đây chỉ là cơ quan tư vấn của Quốc hội. Do đó, kiến nghị gọi tên Hội đồng này là Hội đồng bảo hiến có thẩm quyền phán quyết đối với các luật, văn bản và quyết định không phù hợp với Hiến pháp của tất cả các cơ quan nhà nước.

Liên quan đến quy định về quyền lực nhà nước, một số ý kiến đề nghị, dự thảo Hiến pháp cần viết rõ hơn cơ cấu quyền lực nhà nước gồm những gì, giới hạn đến đâu, tính độc lập tương đối của 3 quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Góp ý vào Điều 21 (mới): “Mọi người có quyền sống”, GS-TS Nguyễn Duy Quý, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học xã hội và Nhân văn cho rằng chưa đủ bởi ngoài quyền sống, mọi người còn có quyền học tập, lao động, mưu cầu hạnh phúc.

TTX – P.Thảo

Tin cùng chuyên mục