Phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân năm 2010. Trong những ngày này, chúng tôi về thăm mảnh đất và con người nơi đây để ghi nhận những đổi thay của vùng căn cứ cách mạng năm xưa.
Ông Thái Văn A, 79 tuổi, người dân gốc ở vùng Tân Sơn Nhì kể cho chúng tôi nghe về quê hương mình bằng niềm mơ ước: “Giá như tôi là họa sĩ, tôi sẽ vẽ lại bức tranh quê hương Tân Sơn Nhì mấy chục năm về trước. Đó là một vùng làng quê xinh đẹp, nhà cửa vắng vẻ, dân cư thưa thớt, đồng ruộng thẳng cánh cò bay… Chỉ cần đứng từ làng Tân Sơn Nhì thả tầm mắt ra xa là nhìn thấy khu Vườn Lài, Vườn Ngâu, Vườn Thơm, Gò Dầu, cầu Xéo, đình Bà Quẹo… Thời đó, quê hương tôi ai cũng yêu nước và một lòng theo Đảng. Người dân hoạt động cách mạng ngay sát đồn bót giặc, thậm chí ngay trong lòng địch. Nơi đây những năm 1936 - 1939, bà con đã từng nuôi giấu các đồng chí trong Trung ương Đảng, Xứ ủy Nam kỳ như Hà Huy Tập, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Văn Cừ, Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai…”.
Cuộc đời ông Thái Văn A gắn liền với quê hương Tân Sơn Nhì trong suốt hai thời kỳ kháng chiến. Ông nhớ lại: “Hồi đó, tôi chỉ khoảng 12, 13 tuổi, chưa hề biết cách mạng là gì nhưng thấy giặc Tây vào nhà đánh đập cha mẹ mình, cướp nước mình, rồi đốt phá làng xóm nên ngay từ nhỏ tôi đã nuôi chí căm thù giặc. Sau này lớn lên, thấy cô bác tầm vông vạt nhọn nhất tề đứng lên chống thực dân Pháp, tôi tình nguyện đi theo”.
Nhắc đến kỷ niệm về những ngày Cách mạng Tháng Tám lịch sử tại vùng đất Tân Sơn Nhì, ông Thái Văn A như thấy mình trẻ lại, ông kể: Ngày Cách mạng Tháng Tám thành công đã trở thành ngày hội lớn của nhân dân xã Tân Sơn Nhì vì lần đầu tiên bà con được hưởng không khí độc lập, tự do. Đáng nhớ nhất là ngày 2-9-1945, bà con Tân Sơn Nhì kéo về quảng trường cạnh Nhà thờ Đức Bà ở Sài Gòn để tham dự lễ mít tinh với quy mô lớn do Ủy ban hành chính Nam bộ tổ chức. Bà con rưng rưng xúc động khi nghe qua đài phát thanh tiếng Bác Hồ từ quảng trường Ba Đình đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Thấm thoắt đã 66 năm trôi qua kể từ ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, quê hương Tân Sơn Nhì hôm nay đã và đang đổi thay từng ngày. Những cánh đồng trải rộng năm xưa, nay đã nhường chỗ cho khu đô thị mới sầm uất mọc lên khiến bức tranh làng quê xưa giờ chỉ còn trong ký ức… Mẹ Việt Nam anh hùng Võ Thị Năm, 87 tuổi, quê Tân Sơn Nhì, người có chồng và con trai duy nhất hy sinh và có người em gái cũng là Mẹ Việt Nam anh hùng vui vẻ nhận xét: “Thấy quê hương phát triển văn minh hiện đại như vầy, mẹ thấy mãn nguyện lắm…”.
Bà Nguyễn Thị Mảnh, là cháu đồng chí Nguyễn Văn Săng, bí thư chi bộ đầu tiên của vùng Tân Sơn Nhì bộc bạch: “Lúc đầu chi bộ xã Tân Sơn Nhì chỉ có 10 đảng viên nay Đảng bộ phường đã hơn 460 đảng viên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, người dân được sống trong hòa bình như hôm nay, thật không gì quý cho bằng”.
Minh Ngọc