(SGGPO). – Sáng 23-5, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi). Nhiều vấn đề đã được các đại biểu tranh luận.
Tại đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh, ĐB Đỗ Văn Đương cho rằng, án dân sự phức tạp, bình quân 1 năm có trên 100.000 vụ và có xu hướng ngày càng gia tăng. Trước đây án dân sự chủ yếu liên quan đến bất động sản, tiền bạc, vay nợ; nay 90% là liên quan đến bất động sản. Tranh chấp dân sự chủ yếu giải quyết bằng tòa án, hòa giải anh em, họ hàng, gia đình...
“Luật cần đặc biệt coi trọng hòa giải vì “việc dân sự cốt ở hai bên”, tăng cường trao đổi chứng cứ giữa hai bên và giảm bớt can thiệp của tòa án. Hiện hòa giải mới chỉ đạt 51%, do đó cần tăng tỷ lệ này. Sửa luật lần này cũng nên hướng vào mục tiêu đó”, ĐB Đương nêu quan điểm.
Về vấn đề tòa có được từ chối quyền xét xử hay không, tại đoàn ĐBQH tỉnh An Giang, Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, cuộc sống xã hội rất phong phú, muôn hình muôn vẻ, quy định của pháp luật khó mà theo kịp.
“Để cho nhàn, để đỡ rủi ro thì với những điều không có trong luật Tòa có quyền từ chối xét xử. Nhưng đó là cách để xã hội ứng xử bằng luật rừng. Cái này rất nguy hiểm. Tôi cho rằng dân đã kiện thì tòa phải xử. Nếu không có luật thì chúng ta vận dụng tương tự và vận dụng theo lẽ phải. Ví dụ, vợ chồng ly dị, về lý thuyết tài sản phải chia đôi, ai nuôi con thì thêm được thêm 1 đồng nữa chẳng hạn. Nhưng cũng có những trường hợp không thể chặt chẽ được như thế. Vì hiện tại ông chồngchỉ kiếm được 10 đồng nhưng tương lai có thể kiếm nhiều hơn, thì người ta có thể linh hoạt cho vợ được hưởng nhiều hơn”, Viện trưởng nêu quan điểm.
PHAN THẢO