Những ngày này, thị trường TPHCM đã và đang bước vào Tháng khuyến mãi, với quy mô lớn nhất trong năm. Đi đến đâu người ta cũng bắt gặp các băng rôn, bảng hiệu quảng bá cho chương trình. Mỗi siêu thị, cửa hàng, trung tâm thương mại dường như cũng “làm mới” bộ mặt của mình, thông qua những pa-nô dựng hoành tráng ở vị trí tốt nhất, những slogan, thông tin khuyến mãi từ chương trình liên tục được phát ra để thu hút sự chú ý của khách hàng.
Tháng khuyến mãi đã tạo ra hiệu ứng ngày càng mạnh mẽ đối với cả doanh nghiệp (DN) lẫn người tiêu dùng. Bởi lẽ, trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, người dân vẫn “thắt lưng, buộc bụng”, họ chỉ trông chờ có khuyến mãi thì mới mua hàng, còn nhà sản xuất cũng chỉ bán được hàng khi thực hiện khuyến mãi. Nhưng điểm khác biệt cơ bản của tháng khuyến mãi là đã có sự vào cuộc mạnh mẽ của nhà nước, thông qua việc thực hiện đầy ắp các chương trình thông tin, quảng bá cho chương trình, cho hàng hóa và cho DN.
Kết thúc Tháng khuyến mãi năm 2014, nhiều DN đã thắng lớn với doanh thu tăng khá cao so với tháng trước đó. Cụ thể, hệ thống siêu thị Saigon Co.op đạt mức tăng bình quân khoảng 30% so với tháng thường. Mức tăng chủ yếu tập trung vào nhóm các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm tươi sống và chế biến, hàng hóa mỹ phẩm, hàng thực phẩm công nghệ như sữa các loại… Theo đó, khoảng 3.000 sản phẩm thiết yếu (đường, gạo, sữa, nước tương, dầu ăn, thịt, cá, trứng, hóa phẩm, may mặc, đồ dùng gia đình…) của hơn 600 nhà cung cấp như Vinamilk, Tường An, Nam Dương, Mỹ Hảo, Vinacafe, Kinh Đô, Miliket Colusa… được giảm tới 50% giá bán. Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) thực hiện khuyến mãi tại hệ thống siêu thị Satra doanh thu tăng đáng kể như siêu thị Sài Gòn doanh thu tăng 10%, tại Satra Phạm Hùng doanh thu tăng 27%. Hệ thống siêu thị điện máy Thiên Hòa với mức giảm tới 49% ở nhiều mặt hàng đã thu hút hơn 200.000 lượt khách hàng đến tham quan, mua sắm; doanh thu đã đạt hơn 200 tỷ đồng, tăng 180% so với tháng thường. Tại nhiều DN và các hệ thống siêu thị khác như Big C, Maximark, Citimart… doanh thu tăng 4% - 30%.
Tại các chợ truyền thống như Phạm Văn Hai có hơn 400 hộ kinh doanh quần áo, phụ kiện thời trang tham gia, đạt tỷ lệ 100%. Ngoài ra một số hộ ngành hàng nhôm nhựa, sành sứ gia dụng và mỹ phẩm cũng hưởng ứng tham gia chương trình khuyến mại với mức giảm giá 5% - 30%, những hộ không tham gia khuyến mại đều thực hiện niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết. Kết thúc chương trình khuyến mãi đạt mức tăng 10% - 30% tùy ngành hàng…
Thành công bước đầu đã dần rõ nét. Tháng khuyến mãi cũng đã được tổ chức định kỳ hàng năm. Nhưng thực tế cũng chỉ ra rằng, vẫn còn rất nhiều hạn chế. Sau 10 năm tổ chức, đến nay chương trình vẫn chưa nhận được sự vào cuộc của các thương hiệu lớn, đặc biệt ở lĩnh vực mỹ phẩm, thời trang cao cấp cũng như các DN trong lĩnh vực du lịch, hàng không. Hoặc nếu có tham gia thì mức giảm giá cũng rất thấp. Tháng khuyến mãi tại TPHCM hiện vẫn chỉ dừng lại ở các ngành hàng chủ yếu là tiêu dùng nhanh, thực phẩm và điện gia dụng. Chính sự thiếu vắng của các nhãn hàng lớn, sự chưa đồng bộ của DN trong lĩnh vực du lịch, hàng không nên tháng khuyến mãi vẫn chưa tạo được sức hút đối với du khách - một trong những mục tiêu đặt ra cho tháng khuyến mãi ngay trong những năm đầu tiên thực hiện. Nói cách khác, TPHCM vẫn chưa có những không gian mua sắm hấp dẫn để thu hút du khách.
Sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, sự vào cuộc của các DN là rất đáng ghi nhận. Nhưng làm gì, làm thế nào để tháng khuyến mãi ngày càng trở nên độc đáo, có điểm nhấn nhằm tạo hiệu ứng mạnh mẽ hơn nữa cho người tiêu dùng trong nước, khách du lịch là vấn đề cần được xem xét nghiêm túc.
TƯỜNG DÂN