Cần đội ngũ “thanh nông tri điền”

Tại 2 cuộc hội thảo lớn về nông nghiệp, nông thôn vừa được tổ chức ở TPHCM và Hà Nội, có một khái niệm mới được nhắc tới là “thanh nông tri điền”.

Tại 2 cuộc hội thảo lớn về nông nghiệp, nông thôn vừa được tổ chức ở TPHCM và Hà Nội, có một khái niệm mới được nhắc tới là “thanh nông tri điền”.

Phát biểu tại Diễn đàn chính sách nông nghiệp thường niên 2015 được tổ chức ở TPHCM ngày 4-11,  PGS-TS Vũ Trọng Khải, nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT 2 cho rằng, nông dân Việt Nam hiện nay vẫn hoạt động theo phương thức “cha truyền con nối”, nhưng trong thời hội nhập thì “lão nông tri điền” cần phải thể thay bằng những “thanh nông tri điền” - đó là nông dân thế hệ mới có trình độ, có kiến thức, đó là những doanh nghiệp liên kết với nông dân.

Quan điểm trên lại tiếp tục được nhiều đại biểu nhắc tới tại hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Nông nghiệp, nông thôn Việt Nam - đổi mới, hội nhập và phát triển bền vững” được Trường Đại học Kinh tế quốc dân tổ chức ngày 10-11 tại Hà Nội. Theo các diễn giả, nền nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước những nguy cơ sẽ chịu nhiều tác động tiêu cực từ hội nhập, từ biến đổi khí hậu và những rủi ro từ chính tình trạng làm ăn tự phát nhỏ lẻ, manh mún. Tái cơ cấu ngành nông nghiệp cũng bị cản trở từ chính cách làm ăn thiếu tầm nhìn, thiếu công nghệ của nông dân hiện nay. Là một ngành quan trọng gắn với sinh kế của hơn 70% dân số, tạo ra những thành tích xuất khẩu, giải quyết công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo… nhưng nông nghiệp đang tăng trưởng chậm lại và chất lượng tăng trưởng cũng đang ở tình trạng rất đáng lo lắng. Trình độ phát triển thấp; quy mô sản xuất nhỏ kéo theo năng suất lao động thấp, giá trị gia tăng thấp, khả năng cạnh tranh hạn chế. Bên cạnh đó, cũng do nhận thức hạn chế nên người nông dân không tuân thủ và áp dụng quy chuẩn nông nghiệp, từ đó gây nên những nghi ngờ và làm mất lòng tin về mức độ an toàn chất lượng của sản phẩm...

Đặc biệt, bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ NN-PTNT đưa ra một nhận định đáng suy nghĩ, đó là “người nông dân hiện nay chả hiểu chuỗi giá trị là gì!”. Để gia nhập chuỗi, đòi hỏi người nông dân phải có hiểu biết nhất định và chuỗi đòi hỏi khoa học về tổ chức về quản lý, đòi hỏi áp dụng khoa học công nghệ và kỹ thuật cao với sự  tham gia của các nhà khoa học, nhà quản lý, người nông dân và vai trò quan trọng của doanh nghiệp. Trong khi đó, đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn hiện vẫn rất thấp. Theo số liệu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, số doanh nghiệp thành lập ở nông thôn quá ít, chỉ bằng 1% số doanh nghiệp cả nước. Không những thế, tỷ trọng doanh nghiệp trong ngành nông, lâm, thủy sản lại đang giảm đi vì doanh nghiệp đang chuyển sang hoạt động phi nông nghiệp để có lợi nhuận cao hơn.

Nhiều ý kiến cho rằng, một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong thời gian tới là phải tập trung đào tạo nghề cho nông dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của ngành nông nghiệp, gia tăng đội ngũ cán bộ khuyến nông, khuyến lâm, kiểm ngư, chủ trang trại… Có hai nhân tố quan trọng để tái cơ cấu nông nghiệp thành công, vượt qua thách thức khi hội nhập là nông dân lớn và doanh nghiệp lớn. Nông dân lớn cần được đào tạo, được chuyên nghiệp hóa đủ kiến thức và năng lực quản lý các trang trại quy mô lớn và các HTX kiểu mới. Khi đó họ sẽ là những “thanh nông tri điền” chuyên nghiệp thay thế cho lớp “lão nông tri điền” làm nông nghiệp theo kinh nghiệm kiểu cha truyền con nối. Doanh nghiệp lớn là doanh nghiệp có công nghệ hiện đại tạo ra giá trị gia tăng. Khi “thanh nông tri điền” cùng doanh nghiệp liên kết với nhau thì mới tạo thành một chuỗi sản xuất nông nghiệp giá trị gia tăng cao.

BẢO MINH

Tin cùng chuyên mục