Chuyên gia về lợi thế cạnh tranh quốc gia Đại học Harvard, ông Michael Porter, cho rằng, hiệu quả đầu tư vào nông nghiệp của Việt Nam (thể hiện bằng chỉ số ICOR) cao hơn so với các ngành khác và hiện nay xuất khẩu nông nghiệp là lĩnh vực duy nhất xuất siêu trong thương mại (9 tháng đầu năm 2011 xuất hơn 5 tỷ USD).
Đóng góp ngành nông nghiệp trong GDP cả nước chỉ khoảng 20% và cho xuất khẩu chỉ khoảng 23%, nhưng lại góp phần quan trọng vào việc ổn định kinh tế xã hội. Vậy mà, điều đáng buồn là tỷ lệ đầu tư trở lại vào nông nghiệp hàng năm của nhà nước lại dưới con số 10%. Đầu tư nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực nông nghiệp chỉ chiếm 8% trong tổng vốn đầu tư vào Việt Nam (năm 2007) nay chỉ còn 1% (2010).
Có thể nói, sau hơn 20 năm đổi mới, nông dân là lực lượng nòng cốt tạo nên bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp như cách nói của TS Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Nông nghiệp Phát triển nông thôn (Ipsard). Chính nông dân mở ra cục diện mới phát triển đất nước, ngay cả lúc đất nước gặp khó khăn do khủng hoảng kinh tế thế giới, kinh tế nông thôn nói chung và nông nghiệp nói riêng là nhân tố tạo sự ổn định xã hội.
Thế nhưng chính nông dân lại là những người chịu nhiều thiệt thòi (vùng nông thôn chiếm 70% dân số cả nước nhưng chỉ hưởng 30% mức tiêu dùng xã hội), bị nhiều “thương tích” để tạo ra sự ổn định kinh tế xã hội. Chủ thể chính tạo nên sự thần kỳ này với hơn 10 triệu hộ nông nghiệp lại đang sản xuất nhỏ lẻ (không quá 0,6ha đất/hộ), khó có thể áp dụng cơ giới vào sản xuất để tạo ra khối lượng hàng hóa đồng đều và dồi dào, lại sản xuất trong bối cảnh rủi ro về thiên tai, dịch bệnh, thị trường và nay thêm biến đổi khí hậu luôn đe dọa. Trong bối cảnh hiện nay, để có thể tiếp tục phát triển, nông nghiệp và nông dân Việt Nam phải vượt qua những thách thức to lớn, trong đó, khó khăn nhất là khắc phục cho được tình trạng manh mún. Ngay cả đầu tư vào nông nghiệp không được tạo điều kiện thuận lợi như công nghiệp, dịch vụ.
Tiến sĩ Đặng Kim Sơn cho rằng, nông dân, doanh nghiệp, Chính phủ và xã hội công dân cùng phối hợp tháo gỡ vướng mắc trong chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, kinh doanh và ra thị trường, gồm cả chính sách đúng, cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh, kết cấu thị trường hợp lý, áp dụng giải pháp kỹ thuật và quản lý mới. Liên kết công tư có thể mở ra hướng phát triển mới cho sản xuất nông nghiệp là điều đang được kỳ vọng.
Theo ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng Giám đốc Công ty CP Vinamit, để có thể thu hút nhà đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp, các địa phương tạo ra những vùng đất nông nghiệp rộng cả hàng ngàn, chục ngàn hécta phù hợp cho từng loại cây trồng, vật nuôi, được xây dựng kết cấu hạ tầng hoàn chỉnh như khu công nghiệp nông nghiệp. Bởi điều khó nhất không phải là vốn mà là sự manh mún, để có diện tích tập trung thì phải đền bù, giải tỏa rối rắm.
Một khi nhà đầu tư vào thuê sẽ mang theo công nghệ tiên tiến nhất, giống tốt nhất để tạo ra lợi nhuận tối đa. Công nhân nông nghiệp được nâng cao kỹ năng, chất xám. Nước nhà có thêm bộ giống mới, phương pháp cải tạo đất, nhà nước thu thuế nhờ sản xuất phát triển. Đồng Nai đang đi theo con đường này, quy hoạch 139 khu dành cho sản xuất nông nghiệp lâu dài, nhưng còn thiếu tính đồng bộ về hạ tầng như khu công nghiệp. Mong ước của nhà doanh nghiệp và nhà quản lý đang xích lại gần nhau.
ĐĂNG LÃM