(SGGPO).- Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) ban hành Quy chế quy định về trình tự, thủ tục tiến hành một số nội dung liên quan đến hoạt động giám sát của Quốc hội, UBTVQH, Đoàn đại biểu Quốc hội đã được UBTVQH cho ý kiến tại phiên họp sáng 20-12. Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ yêu cầu cơ quan soạn thảo, thẩm tra tiếp thu ý kiến UBTVQH, hoàn thiện hồ sơ trình UBTVQH xem xét, thông qua Nghị quyết tại kỳ họp sau.
Sẽ xin ý kiến từng đại biểu Quốc hội về kết quả chất vấn
Trước đó, trình bày Tờ trình tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh một nội dung đáng lưu ý trong Quy chế, đó là việc sau hoạt động chất vấn tại mỗi kỳ họp, ngoài việc ban hành Nghị quyết về chất vấn, sẽ tiến hành việc xin ý kiến đánh giá của đại biểu Quốc hội về kết quả hoạt động chất vấn thông qua Phiếu xin ý kiến đánh giá kết quả hoạt động chất vấn tại kỳ họp Quốc hội.
Liên quan đến việc xem xét kiến nghị giám sát của các cơ quan là hoạt động mới so với trước - Ban soạn thảo xây dựng theo hướng các kiến nghị được tổng hợp lại và xem xét làm 2 đợt trong năm (vào tháng 4 và tháng 9). Những kiến nghị có tính cấp bách cần xem xét ngay, các cơ quan sẽ trình UBTVQH đưa vào chương trình phiên họp gần nhất. Đặc biệt, việc xem xét kiến nghị giám sát được gắn với chế tài xử lý các cơ quan thực hiện không nghiêm các kiến nghị để nâng cao tính hiệu lực của hoạt động giám sát.
Thông qua Nghị quyết về án phí, lệ phí Tòa án
Chiều 20-12, UBTVQH đã nhất trí thông qua Nghị quyết về án phí, lệ phí Tòa án theo thủ tục rút gọn. Nghị quyết vừa được UBTVQH thông qua có hiệu lực ngay từ ngày 1-1-2017. (Trước đó, Chính phủ đề nghị thông qua văn bản này dưới hình thức pháp lệnh).
Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, Nghị quyết có nhiều điểm mới. Về mức thu, điều chỉnh tăng mức án phí, lệ phí Tòa án nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân thuộc diện phải nộp án phí, lệ phí Tòa án; phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay, theo nguyên tắc mức điều chỉnh cao nhất bằng với mức biến động giá.
Cụ thể, đối với mức án phí hình sự, Nghị quyết mới quy định mức thu án phí hình sự là 200.000 đồng. Mức án phí giải quyết theo thủ tục rút gọn bằng 50% mức thu của vụ án giải quyết theo thủ tục thông thường. Bên cạnh đó, Nghị quyết mới đã bổ sung hộ cận nghèo được miễn án phí, lệ phí Tòa án để tạo thuận lợi cho họ tiếp cận công lý, góp phần thực hiện Chiến lược cải cách Tư pháp đến năm 2020.
Nút giao Trần Duy Hưng - Hoàng Minh Giám - Nguyễn Chánh (Hà Nội) nhìn từ trên cao. Ảnh: LÃ ANH
Đề nghị cơ chế có tính đột phá mạnh mẽ hơn cho TP Hà Nội
Cũng trong phiên họp chiều 20-12, UBTVQH đã cho ý kiến về việc ban hành Nghị định của Chính phủ quy định về một số cơ chế tài chính, ngân sách đặc thù cho TP Hà Nội.
Thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về vấn đề này, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính – Ngân sách nhất trí với nội dung Chính phủ trình. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng các quy định về cơ chế tài chính – ngân sách như quy định của các Luật không thể hiện rõ cơ chế đặc thù. Loại ý kiến này đề nghị nội dung cơ chế cần “có tính đột phá mạnh mẽ hơn, nhất là các vấn đề về phân cấp, phân quyền quyết định cho Thủ đô Hà Nội”.
Một trong những nội dung đáng lưu tâm là về bổ sung có mục tiêu từ tăng thu ngân sách Trung ương. Cụ thể, Chính phủ đề nghị không quy định ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho thành phố tương ứng toàn bộ tổng số tăng thu ngân sách Trung ương so với dự toán đã được Thủ tướng Chính phủ giao, mà quy định “Thành phố được bổ sung có mục tiêu từ tăng thu ngân sách Trung ương, nhưng không vượt quá số tăng thu ngân sách Trung ương trên địa bàn so với thực hiện thu năm trước”. Đa số ý kiến trong cơ quan thẩm tra đồng ý với đề xuất của Chính phủ.
Về quy định huy động các nguồn vốn khác cho đầu tư phát triển, đa số ý kiến trong cơ quan thẩm tra cho rằng, để tạo thêm kênh huy động nguồn vốn đầu tư, ngoài việc ưu tiên bố trí vốn ODA thì Chính phủ cần ưu tiên hỗ trợ vốn vay ưu đãi để bổ sung nguồn lực cho Thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, để đảm bảo công bằng trong phân bổ nguồn lực với các địa phương khó khăn khác, thì thay vì cấp phát một phần ODA cho Thủ đô Hà Nội, Chính phủ nên áp dụng cơ chế tăng mức vay về cho vay lại với lãi suất thấp, vì các dự án ở Thủ đô có thể thu được phí dịch vụ để trả nợ.
Ngoài ra, quy định tại Dự thảo: “Một số công trình, dự án quan trọng có quy mô lớn thuộc lĩnh vực môi trường, giao thông, thủy lợi do TP Hà Nội quản lý mà vượt quá khả năng cân đối của ngân sách địa phương thì UBND TP báo cáo Chính phủ trình Quốc hội quyết định hỗ trợ từ ngân sách Trung ương cho ngân sách thành phố để triển khai thực hiện theo từng dự án” cũng nhận được sự đồng tình từ Ủy ban Tài chính - Ngân sách.
Thảo luận tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đặt câu hỏi: “Cơ chế như Chính phủ trình được thông qua thì nhìn chung Thủ đô có lợi hơn hay thiệt hơn so với hiện hành”? Được đại diện cơ quan thẩm tra cho biết “tổng thể là thiệt hơn”, Chủ tịch Quốc hội dứt khoát: “Tinh thần của chúng ta là Nghị định này phải tạo cơ chế thực hiện Luật Thủ đô, tạo đột phá cho Thủ đô phát triển. Nếu không thì không đạt được mục đích”.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng cho rằng mọi quyết định đều phải phù hợp với khung khổ pháp luật, cụ thể là Luật Thủ đô và Luật Ngân sách Nhà nước và tinh thần là “Hà Nội không thua thiệt hơn hiện tại”. Nhiều ý kiến khác trong UBTVQH ủng hộ quan điểm này.
• Trước đó, trong một phiên họp riêng sáng 20-12, UBTVQH đã thông qua Chương trình hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế của các cơ quan của Quốc hội năm 2017.
ANH THƯ