Cần được quản lý nề nếp

Thành phố Đà Nẵng đang đẩy mạnh phát triển du lịch đường thủy nội địa, trong đó, chú trọng loại hình du thuyền trên sông Hàn về đêm. Tuy nhiên, việc phát triển quá nhanh, quá nóng như hiện nay sẽ gây nên những hệ lụy khôn lường nếu các ngành chức năng không quản lý chặt.
Cần được quản lý nề nếp

Phát triển du lịch đường thủy nội địa sông Hàn

Thành phố Đà Nẵng đang đẩy mạnh phát triển du lịch đường thủy nội địa, trong đó, chú trọng loại hình du thuyền trên sông Hàn về đêm. Tuy nhiên, việc phát triển quá nhanh, quá nóng như hiện nay sẽ gây nên những hệ lụy khôn lường nếu các ngành chức năng không quản lý chặt.

Du thuyền đậu san sát trên sông Hàn

Hỗn loạn mặt sông

Ông Đặng Văn Tha (45 tuổi), ở thôn Cẩm Chánh, phường Hòa Xuân (Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng), vốn là người lái đò đưa khách qua sông từ bến đò Xu vượt sông Hàn để vào trung tâm thành phố. Hơn 2 năm trước, cầu Nguyễn Tri Phương được hoàn thành cũng là lúc bến đò Xu với những chiếc đò nhỏ hàng ngày vẫn dập dềnh qua sông chấm dứt sứ mệnh. Những chiếc đò ngày ấy được ông Tha đầu tư gần 500 triệu đồng nâng cấp, cải hoán từ 20 mã lực lên 55 mã lực để đưa du khách ngược xuôi sông Hàn ngắm nhìn thành phố về đêm. Người lái đò Đặng Văn Tha giờ là Giám đốc Công ty Du lịch Tiên Sa, sở hữu 3 chiếc “du thuyền” có sức chứa gần 100 khách/tàu, mỗi tháng thu nhập từ 30 đến 35 triệu đồng. Ông Tha tâm sự: “Khi Nhà nước có chủ trương làm những cây cầu, mình cũng bắt đầu chuyển ghe chở khách qua tàu du lịch. Cũng phải học nhiều lắm, từ giao tiếp, đến thái độ, cung cách phục vụ... Lại phải tính toán liên kết với các đơn vị kinh doanh du lịch để tìm nguồn khách. Ngày nhiều khách làm không ngơi nghỉ, có đêm đi hàng chục chuyến đến gần khuya mới thôi”. 

Đã gần 20 giờ đêm, “du thuyền” Mỹ Xuân vẫn im lìm neo vào trụ kiên nhẫn chờ khách. Trên sàn tàu, hơn 20 chiếc ghế gỗ trống trơn, thỉnh thoảng gió từ mặt sông hắt vào mát rượi. Ông Nguyễn Văn Chiến (60 tuổi) ở phường An Hải Tây nhìn xa xăm, thỉnh thoảng lại châm hơi thuốc rồi lại nháo nhác nhìn vào bờ xem có khách nào bước lên tàu. Ông buồn bã bảo, dạo này nhiều người kinh doanh, toàn tàu lớn và sang nên “du thuyền” của ông ế quá. Chiếc tàu 50 mã lực trông như chiếc ghe được đóng thêm sàn gỗ làm mặt bằng đặt những bàn ghế gỗ nên khi có sóng chồm tới là dập dềnh, chao đảo. Ông Chiến bảo, đây là chiếc ghe đánh bắt gần bờ, cứ chiều tối đi đánh cá, rạng sáng hôm sau thì về. Tuy nhiên, dạo gần đây nguồn thủy sản ven bờ cạn kiệt, lại thấy khách du lịch thích du ngoạn trên sông về đêm nên ông quyết định chuyển đổi công năng qua làm du lịch. Vậy nhưng, khi lượng “du thuyền” ít, có thu nhập, nay số lượng tăng nhanh, đêm cũng kiếm được vài triệu đồng. Về khuya, “du thuyền” Tiên Sa 2 đang chậm đưa du khách vào vị trí gần cầu Rồng thì chiếc tàu khác mang số hiệu tỉnh Quảng Nam chở đầy du khách bất ngờ từ phía sau lao tới với vận tốc lớn. Tàu không đèn báo hiệu, không đèn chiếu sáng khiến các tàu khác dạt qua bên còn hành khách thì được phen hú vía. Gần như hành trình của những tàu chở khách này đều có lịch trình như nhau, “điểm nhấn” tập trung về phía đầu cầu Rồng để du khách ngắm rồng phun lửa đã tạo ra khung cảnh hỗn loạn ngay trên mặt sông vì tàu nào cũng muốn được đến gần.

Siết chặt quản lý

Nhằm tăng cường công tác quản lý du lịch đường thủy nội địa, UBND TP Đà Nẵng đã thành lập Cảng vụ Đường thủy nội địa trực thuộc Sở GTVT. Bên cạnh đó, đã tổ chức 2 lớp đào tạo nghiệp vụ du lịch, kỹ năng giao tiếp, văn minh du lịch cho thuyền trưởng và nhân viên phục vụ trên tàu; ban hành bài thuyết minh về du lịch đường sông nhằm đảm bảo thống nhất trong thông tin hướng dẫn, giới thiệu cho du khách, tăng tính chuyên nghiệp của du lịch Đà Nẵng.

Một vấn đề nan giải hiện nay khi số phương tiện hoạt động theo loại hình du lịch này phát triển quá nhanh đã gây nên tình trạng neo đậu lộn xộn ven sông Hàn. Để khắc phục, TP Đà Nẵng đã quy hoạch 9 vị trí neo đậu và đón trả khách trên sông Hàn nhưng hiện mới chỉ có một đơn vị đầu tư hệ thống cầu tàu. Theo chủ trương của TP Đà Nẵng, tất cả các tàu du lịch đang thực hiện việc neo đậu tại Cảng sông Hàn (cũ). Tuy nhiên, điểm neo đậu này mới chỉ là tạm thời nên chưa tạo tâm lý ổn định kinh doanh cho các doanh nghiệp du lịch đường sông. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch ở các điểm neo đậu vẫn thiếu nên rất khó phục vụ du khách chu đáo. Chưa kể, hầu hết các tàu du lịch được cải hoán từ tàu đánh cá nên chất lượng phục vụ du lịch không cao. Về việc này, UBND TP Đà Nẵng chủ trương không khuyến khích những tàu hoán cải, tàu cá và tiến đến chỉ có các tàu mới, đảm bảo dịch vụ, chất lượng tốt mới được đưa vào sử dụng trong hoạt động du lịch. Theo lộ trình, đến đầu tháng 1-2016, Đà Nẵng bắt đầu thực hiện chủ trương này. Đối với các tàu hoán cải hiện nay vẫn được phép hoạt động nhưng phải có đủ giấy phép và theo niên hạn, Đà Nẵng sẽ dần loại bỏ những tàu hoán cải không đảm bảo theo quy định...

Theo Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL TP Đà Nẵng Trần Chí Cường: Trong phát triển du lịch đường sông, thành phố sẽ tập trung thu hút đầu tư các cầu tàu du lịch, bến du thuyền; hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đóng mới các tàu du lịch có quy mô lớn, hình thành đội tàu du lịch đồng nhất, đảm bảo chất lượng dịch vụ phục vụ du khách. Trong khi đó, ông Bùi Thanh Thuận, Phó giám đốc Sở GTVT TP Đà Nẵng, cho biết hiện có 21 phương tiện đầy đủ về giấy tờ và được cấp phép của các cơ quan chức năng có thể hoạt động kinh doanh du lịch. 7 thuyền không đủ phép vẫn lén hoạt động nên hàng đêm Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông, Hải đội 2 và Biên phòng thành phố thường xuyên tuần tra, kiểm soát nhằm ngăn chặn những phương tiện không đủ điều kiện hoạt động.

Minh Khôi

Tin cùng chuyên mục