Cần Giờ, nhiều đặc sản, giàu tiềm năng

Cách trung tâm TPHCM hơn 50km về phía Đông Nam, Cần Giờ như một ốc đảo xanh tươi nhờ thiên nhiên ưu đãi với hệ sinh thái rừng ngập mặn, được Unesco công nhận là khu dự trữ sinh quyển của thế giới vào năm 2000. Cần Giờ ngày nay đang vươn mình mạnh mẽ, trở thành một vùng đất màu mỡ, giàu tiềm năng của TPHCM.
Cần Giờ, nhiều đặc sản, giàu tiềm năng

Cách trung tâm TPHCM hơn 50km về phía Đông Nam, Cần Giờ như một ốc đảo xanh tươi nhờ thiên nhiên ưu đãi với hệ sinh thái rừng ngập mặn, được Unesco công nhận là khu dự trữ sinh quyển của thế giới vào năm 2000. Cần Giờ ngày nay đang vươn mình mạnh mẽ, trở thành một vùng đất màu mỡ, giàu tiềm năng của TPHCM.

Đặc sản ngon và lạ

Cần Giờ là địa bàn duy nhất của TPHCM có bờ biển dài 20km cùng một hệ thống sông ngòi chằng chịt. Cần Giờ có nhiều thế mạnh về du lịch như tham quan đảo khỉ và khám phá rừng ngập mặn Vàm Sát, đặc biệt là thưởng thức các loại đặc sản nơi đây.

Ai đã một lần được ăn xoài Cần Giờ, hẳn sẽ khó quên vị ngọt mát của nó. Cũng là giống xoài cát Hòa Lộc nhưng do thổ nhưỡng và cách chăm sóc, xoài Cần Giờ đã chinh phục được những thực khách khó tính nhất bằng vẻ ngoài căng tròn, vàng ươm cùng hương vị đặc biệt. Theo tính toán, toàn huyện hiện có 300ha trồng xoài, trong đó có 13,8ha trồng theo chuẩn VietGAP, với tổng sản lượng 1.500 tấn/năm. Cùng với xoài, Cần Giờ còn trái mãng cầu cũng nổi tiếng không kém, đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Mãng cầu ở đây trái không quá to nhưng dai, ngọt, cơm dày, mang hương vị rất đặc trưng của vùng đất cát ven biển.

Ngoài 2 loại trái cây nổi tiếng nói trên, Cần Giờ còn có thế mạnh về khai thác, đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản. Một trong những đặc sản được nhiều du khách chọn mua sau khi đến Cần Giờ đó là khô cá dứa. Hiện trên địa bàn huyện mới chỉ có 1 DN và 25 cơ sở chế biến khô cá dứa, trong đó Công ty cổ phần Thương mại - Dịch vụ Cần Giờ đã đăng ký nhãn hiệu và thực hiện công bố chất lượng với sản lượng 36 tấn/năm. Nói đến món ngon Cần Giờ, cũng phải nói đến các loại hải sản rất tươi ngon. Cần Giờ có đường bờ biển khá dài, phần lớn là những bãi nghêu được nuôi trong môi trường tự nhiên. Hàng ngày, tiếp nhận lượng lớn phù sa từ các con sông lớn từ Đồng Nai, Soài Rạp đổ vào, vì vậy hải sản ở đây rất mau lớn và có vị ngọt tự nhiên rất đậm đà.

Cần Giờ có khá nhiều loại hải sản khác, từ các loại cua, cúm, ghẹ đến tôm, ốc… Trong các món được du khách yêu thích nhất phải kể đến tôm. Tôm Cần Giờ phần lớn là tôm sú, được bắt từ biển hoặc các ao, đầm. Ngoài ra, còn có các loại khác như tôm sắt với lớp vỏ cứng, hay tôm đất với lớp vỏ mềm trong, thịt dẻo lại ngọt. Ngon nhất vẫn là loại tôm gạch son, thường có vào khoảng tháng 3 - 4 âm lịch. Bên cạnh cua còn có món ghẹ biển. Có loại màu đỏ hồng, có loại màu xanh. Ăn cua ghẹ ngon nhất là vào những ngày cuối tháng vì thịt sẽ chắc hơn. Cần Giờ còn có loại cua cúm. Về cơ bản, nó giống hình dạng như cua, sống chủ yếu trong rừng đước. Thân hình màu đen, mang chiếc mai xù xì, nhưng thịt chắc và thơm ngon. Còn ốc, Cần Giờ là nơi du khách có thể tìm thấy nhiều món ngon chế biến từ ốc như gỏi chua ốc đụn, ốc giác, ốc hương biển hấp sả, ốc mỡ xào me… Mỗi loại đều mang đến cho thực khách một cảm nhận riêng về vị ngon đặc trưng của món ăn. Nếu ốc giác cho du khách cảm giác dai và giòn, thì ốc mỡ lại ngọt và mềm. Lại có ốc hương biển với những chiếc bông lấm tấm, điểm xuyết thêm cho hương vị ngọt thanh và phảng phất hương biển của mình.

Khách du lịch tham quan rừng Vàm Sát, Cần Giờ.

Khách du lịch tham quan rừng Vàm Sát, Cần Giờ.

Tìm đường cho đặc sản

Mới đây, tại buổi làm việc giữa Sở Công thương TPHCM và UBND huyện Cần Giờ, các bên đã đề cập đến nhiều vấn đề, trong đó có nội dung tìm giải pháp tiêu thụ sản phẩm đặc trưng của Cần Giờ như muối, khô cá dứa, xoài cát… Theo đó, Phòng Kinh tế huyện Cần Giờ phối hợp với Phòng Quản lý Thương mại Sở Công thương xây dựng kế hoạch chi tiết nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm đặc trưng của Cần Giờ với hệ thống phân phối trên địa bàn TP. Sở cũng sẽ hỗ trợ huyện mời gọi doanh nghiệp đầu tư xây dựng chợ nhằm phục vụ đời sống và phát triển kinh tế xã hội địa phương. Để làm được việc này, sở cũng yêu cầu UBND huyện Cần Giờ nghiên cứu các điều kiện cụ thể, các chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư của địa phương khi xây dựng chợ, từ đó đề xuất UBND TP cho phép triển khai thực hiện.

Trong năm 2014, huyện Cần Giờ cũng tổ chức các lớp đào tạo, nâng cao tay nghề cho người lao động, ứng dụng khoa học kỹ thuật, máy móc tiên tiến. Theo đó, Phòng Kinh tế tập thể của Sở Công thương có kế hoạch hỗ trợ 25 DN của huyện đăng ký nhãn hiệu hàng hóa. Hai bên cũng sẽ phối hợp làm việc với Tổng Công ty Điện lực TP lên phương án cung cấp điện phục vụ cho 324 hộ còn lại chưa có điện sử dụng trong tháng 6-2014. Ngoài ra, các phòng chức năng của sở sẽ hỗ trợ một số HTX của huyện tham gia miễn phí các chương trình do Sở Công thương tổ chức như tháng khuyến mãi, hội chợ tháng khuyến mãi, hội chợ tiêu dùng cuối năm nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các mặt hàng của Cần Giờ tiếp cận trực tiếp với người tiêu dùng TP.

Với những nỗ lực của mình, huyện Cần Giờ ngày càng lớn mạnh, trở thành điểm du lịch khá lý tưởng của TPHCM.

TƯỜNG DÂN - THÚY AN

Tin cùng chuyên mục