Mặc dù chưa có những con số cuối cùng, nhưng kết quả thống kê sơ bộ từ 3 hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa được thực hiện ở 3 khu vực vùng miền là Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng, đã có hơn 100 hợp đồng, biên bản ghi nhớ giữa các doanh nghiệp (DN) đã được ký kết. Trong số đó, hầu hết các hợp đồng đều ưu tiên cho những mặt hàng đặc sản của mỗi tỉnh, thành và vùng miền. Cách làm này đã tiếp thêm sức mạnh cho các sản phẩm truyền thống tiếp cận với hệ thống phân phối và người tiêu dùng cả nước, hướng đến xuất khẩu.
Là đơn vị trực tiếp triển khai thí điểm hội nghị kết nối cung cầu thực hiện tại TPHCM vào năm 2012, bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, nhớ lại, đây là năm đầu tiên thực hiện mới chỉ có 14 tỉnh, thành và 198 DN tham gia, nhưng đến năm 2014 đã tăng lên 38 tỉnh, thành và 1.113 DN. Cũng trong năm 2014, các DN đã tiến hành ký kết 867 hợp đồng, doanh số giao dịch lên tới 20.000 tỷ đồng. Qua chương trình, các tỉnh, thành và DN đã phát huy tốt những thế mạnh của mình trong lĩnh vực cung - cầu hàng hóa, phát triển hệ thống thương mại, tăng cường giao lưu hàng hóa, thực hiện tốt cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Nhờ quan tâm, chỉ đạo của Bộ Công thương, chương trình ngày càng hoàn thiện, trở thành chương trình xúc tiến trọng điểm, được nhân rộng trên địa bàn cả nước.
Thực tế đã chỉ ra, thành công và hiệu quả của chương trình không dừng lại ở các con số. Thông qua các giải pháp thực hiện rất cụ thể, nhiều cơ sở sản xuất, làng nghề và các mặt hàng đặc sản địa phương đã có cơ hội tiếp cận trực tiếp với các hệ thống phân phối lớn của TP. Về phía nhà sản xuất cũng phối hợp với nhà nước cùng đầu tư, hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất nâng cấp quy trình sản xuất, từng bước đa dạng hóa mặt hàng, nâng cao chất lượng sản phẩm. Nói như đại diện Công ty sản xuất bột Bích Chi (Đồng Tháp), nếu không nhờ Saigon Co.op, thương hiệu bột Bích Chi không biết đi về đâu. Cũng nhờ việc hỗ trợ đầu tư, giám sát quy trình sản xuất, các mặt hàng của Bích Chi không chỉ đứng vững ở thị trường nội địa mà còn xuất khẩu đến nhiều nước khác.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, chương trình vẫn còn những hạn chế nhất định như số lượng các bản ghi nhớ nhiều nhưng thực tế triển khai còn hạn chế nhất định vì nhiều nguyên nhân như sản lượng hàng hóa còn ít, chất lượng chưa đồng đều, tiến độ giao hàng chậm, đặc biệt là các cơ sở sản xuất chưa chuyển đổi kịp các yêu cầu về kỹ thuật, an toàn từ phía các nhà phân phối đưa ra…
Để mối liên kết giữa nhà sản xuất và nhà phân phối bền chặt, nhiều ý kiến cho rằng, rất cần sự nỗ lực từ hai phía. Cụ thể, nhà phân phối sẽ luôn đồng hành với DN Việt và có những chính sách hợp lý để tạo điều kiện cho DN đưa hàng vào hệ thống siêu thị. Còn các DN cần phải có sự đầu tư để làm sao có những sản phẩm tốt nhất đưa ra thị trường được người tiêu dùng đón nhận. Ở tầm vĩ mô, bà Lê Ngọc Đào kiến nghị, Bộ Công thương cần quan tâm, tạo điều kiện hướng dẫn các tỉnh, thành quy hoạch và triển khai liên kết vùng, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là mặt hàng mang tính chất thời vụ, tránh trường hợp bị động dẫn đến ùn ứ sản phẩm như thời gian qua. Nghiên cứu chính sách hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho sản phẩm đặc sản và chuỗi cung ứng sản phẩm sạch, hướng đến xuất khẩu. Hoạt động kết nối cung - cầu cũng cần gắn chặt với các DN có vốn đầu tự trực tiếp nước ngoài và DN xuất nhập khẩu, để đưa hàng hóa ra thị trường nước ngoài. Hỗ trợ các địa phương sửa chữa, nâng cấp hệ thống chợ truyền thống để đưa sản phẩm đặc sản vào chợ, gắn kết với du lịch cũng là việc cần làm để nâng cao chuỗi giá trị hàng hóa.
HẢI HÀ