Cần linh hoạt trong xử lý nợ xấu

Trong 2 ngày 2 và 3-7, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 6-2012 với sự tham gia họp trực tuyến của lãnh đạo UBND 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Chiều cùng ngày, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức họp báo.
Cần linh hoạt trong xử lý nợ xấu

(SGGP).- Trong 2 ngày 2 và 3-7, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 6-2012 với sự tham gia họp trực tuyến của lãnh đạo UBND 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Chiều cùng ngày, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức họp báo.

Ngân hàng cần linh hoạt trong xử lý nợ góp phần tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp. Ảnh: CAO THĂNG

Ngân hàng cần linh hoạt trong xử lý nợ góp phần tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp. Ảnh: CAO THĂNG

Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2012, Chính phủ nhận định, kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2012 đã đạt được kết quả khá toàn diện, đúng hướng, đúng mục tiêu đề ra trên tất cả các mặt như kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu nền kinh tế, bảo đảm phúc lợi, an sinh xã hội… Tuy nhiên, các thành viên Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận, tình hình kinh tế - xã hội vẫn tồn tại những khó khăn, thách thức, trong đó nổi lên là tăng trưởng kinh tế thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước; lạm phát có chiều hướng giảm ở mức thấp hơn so với định hướng điều hành; khu vực doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng do lãi suất còn cao và không đáp ứng được các điều kiện vay…

Tại phiên họp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhận định kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm cho thấy triển vọng 6 tháng cuối năm sẽ có tăng trưởng, chuyển biến tốt hơn. Quan điểm nhất quán trong những tháng cuối năm 2012 vẫn là kiên định các mục tiêu đã đề ra từ đầu năm. Theo đó, tiếp tục dành ưu tiên cho kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, việc ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô không chỉ cho năm 2012 mà còn cho cả các năm tiếp theo, đây cũng là nền tảng để duy trì tăng trưởng và phát triển bền vững. Thủ tướng cũng chỉ rõ, cần linh hoạt trong xử lý nợ xấu; khẩn trương cơ cấu lại nợ, cơ cấu lại các ngân hàng thương mại yếu kém; điều hành lãi suất theo lạm phát mục tiêu (7% - 8%); nhanh chóng khơi thông dòng vốn để các doanh nghiệp dễ tiếp cận.

Dẫn toàn bộ nội dung phiên họp Chính phủ, ông Vũ Đức Đam, Bộ trưởng-Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng khẳng định, qua 6 tháng, những gì Chính phủ chủ động điều hành đã đúng như chỉ đạo. CPI thấp nhất trong nhiều năm qua, “Nếu không cần có biện pháp gì đặc biệt thêm, thì theo thông lệ nhiều năm, CPI năm nay chỉ khoảng 6%”, ông Vũ Đức Đam nhấn mạnh. Để duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý, hiện nay còn nhiều dư địa để đẩy tăng trưởng lên nhưng Chính phủ đã bàn rất kỹ và quyết định: Năm 2012, CPI ở mức một con số nhưng không được thấp quá để bảo đảm tăng trưởng hợp lý. “Để bảo đảm mục tiêu cả năm đòi hỏi quyết tâm rất lớn. Chính phủ quyết tâm, CPI ở mức 7% - 8% và tiếp tục xuống trong năm 2013; GDP đạt khoảng 6% và cao hơn trong năm 2013”, ông Đam cho hay.

Ông Vũ Đức Đam cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ có các biện pháp giải quyết nợ để giúp DN tiếp cận vốn vay. Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng cho hay, từ nay đến cuối năm trung bình mỗi tháng sẽ giải ngân 22.000 tỷ đồng vốn đầu tư Nhà nước và trái phiếu Chính phủ. 


Điều chỉnh giá điện phải đảm bảo công khai, minh bạch 

Việc tăng giá điện trong bối cảnh các DN còn nhiều khó khăn là vấn đề được báo giới tập trung truy vấn lãnh đạo Văn phòng Chính phủ và các bộ ngành trong buổi họp báo Chính phủ chiều qua.

Theo ông Vũ Đức Đam, giá điện Việt Nam hiện nay thấp hơn các nước, vì vậy có nhiều hệ lụy liên quan. “Đương nhiên các DN không dại gì đầu tư vào những lĩnh vực đòi hỏi tiết kiệm điện bởi chi phí rất lớn. Các ngành như xi măng, cán thép… chủ yếu sử dụng điện, về lâu dài, nếu không điều chỉnh giá điện sẽ không phát triển được nền sản xuất bền vững, xanh”, ông Đam nêu quan điểm về việc tăng giá điện.

Cần linh hoạt trong xử lý nợ xấu ảnh 2

Nhân viên Công ty Điện lực Sài Gòn gắn tụ bù điện giúp giảm hao phí điện và tăng khả năng chuyển tải. Ảnh: KIM NGÂN

Theo ông Đam, nhiều ngành sản xuất công nghiệp rất tiêu tốn điện, vô hình trung họ được lợi, như ngành cán thép trong khi nhiều cơ sở rất ô nhiễm. Nếu hạch toán đầy đủ giá điện thì kết quả sản xuất kinh doanh của các ngành hàng sẽ công bằng hơn. Cũng theo ông Đam, việc đưa giá điện theo cơ chế thị trường cần có lộ trình. Quan điểm của Chính phủ là việc điều chỉnh phải bảo đảm các yêu cầu: công khai, minh bạch (giá thành, lỗ lãi, lý do tăng giảm); đúng các quy định của pháp luật; tăng giá không được làm ảnh hưởng tới người nghèo, người có thu nhập thấp. 

Về quá trình kiểm điểm nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Đào Văn Hưng, ông Vũ Đức Đam cho biết, tinh thần là xử lý nghiêm minh, trách nhiệm lớn thì kỷ luật nặng, từ đó rõ trách nhiệm của từng vị trí. Bộ Công thương, Bộ Nội vụ đang triển khai để thực hiện việc này. Khi có ý kiến kết luận, Chính phủ sẽ công khai.


P.THẢO

Tin cùng chuyên mục