Cần minh định vai trò các thành phần kinh tế

(SGGP).- Ngày 28-10, tại TPHCM, Tạp chí Cộng sản phối hợp với Trường Đại học Kinh tế TPHCM tổ chức Hội thảo khoa học “Những vấn đề kinh tế - xã hội trong bổ sung, phát triển Cương lĩnh năm 1991 trình Đại hội XI của Đảng”. Nhiều ý kiến đã có những đóng góp quan trọng vào việc làm thế nào để đảm bảo giữ vững định hướng XHCN và kinh tế Nhà nước vẫn giữ vai trò chủ đạo.

(SGGP).- Ngày 28-10, tại TPHCM, Tạp chí Cộng sản phối hợp với Trường Đại học Kinh tế TPHCM tổ chức Hội thảo khoa học “Những vấn đề kinh tế - xã hội trong bổ sung, phát triển Cương lĩnh năm 1991 trình Đại hội XI của Đảng”. Nhiều ý kiến đã có những đóng góp quan trọng vào việc làm thế nào để đảm bảo giữ vững định hướng XHCN và kinh tế Nhà nước vẫn giữ vai trò chủ đạo.

Hơn 60 tham luận và phát biểu của các nhà khoa học, các nhà lãnh đạo, quản lý thuộc 20 trường đại học và 10 viện nghiên cứu đều thống nhất quan điểm kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế; giữ vững đường lối độc lập tự chủ, sáng tạo, trên cơ sở kiên định mục tiêu, lý tưởng cách mạng.

Về đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa, các đại biểu nhấn mạnh: dân chủ là mục tiêu, là động lực, phản ánh bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa, là nguyện vọng thiết tha của Đảng và nhân dân ta. Do đó mục tiêu xây dựng xã hội XHCN phải là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Nhiều đại biểu đề nghị cần làm rõ trong Cương lĩnh những yếu tố bảo đảm giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trong nền kinh tế thị trường của nước ta, như: kinh tế nhà nước (trong đó có các tập đoàn kinh tế Nhà nước) giữ vai trò chủ đạo, là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng và điều tiết nền kinh tế, tạo môi trường và điều kiện thúc đẩy các thành phần kinh tế cùng phát triển. Kinh tế nhà nước cùng kinh tế tập thể phải ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân.

Tuy nhiên thời gian qua, có nhiều tập đoàn chưa phát huy vai trò này, ngược lại chỉ chạy theo lợi nhuận đơn thuần. Không tán thành ý kiến cho rằng “kinh tế tư nhân là động lực chủ yếu trong phát triển kinh tế”, nhiều đại biểu phân tích và khẳng định: “Kinh tế tư nhân có vai trò quan trọng và chỉ là một trong những động lực của nền kinh tế”.
 
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng kiến nghị cần làm rõ những vấn đề về thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển; bảo đảm vai trò quản lý, điều tiết nền kinh tế của Nhà nước pháp quyền XHCN dưới sự lãnh đạo của Đảng… Cần coi trọng hơn nữa phát triển bền vững, trong đó quan trọng nhất là bảo vệ môi trường sống; phát triển bền vững là cơ sở để phát triển nhanh, nhưng cần làm rõ nội hàm “phát triển nhanh là nguồn lực để phát triển bền vững”.

Thời gian qua, chính căn bệnh thành tích, “tư duy nhiệm kỳ” đã làm cản trở phát triển bền vững.

T. SƠN

Tin cùng chuyên mục