Cần một lối đi cho ngành xe máy

Cần một lối đi cho ngành xe máy

Phải nhìn nhận rằng, trong khoảng 10 năm trở lại đây, ngành công nghiệp xe máy Việt Nam đã có một bước chuyển lớn, tỉ lệ nội địa hóa lên đến gần 80%, phần nào giảm được giá thành cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực, ngành công nghiệp xe máy của ta vẫn cần có những “bước dài” để thay đổi thực tế lẫn tư duy.  

  • Cần điều chỉnh để hội nhập
Cần một lối đi cho ngành xe máy ảnh 1

Dây chuyền sản xuất, lắp ráp xe máy hiện đại hiệu Haesun tại KCN Hòa Khánh, Đà Nẵng. Ảnh: H.T.

Theo số liệu thống kê của cơ quan chuyên môn, hiện nay cả nước có khoảng 52 doanh nghiệp lắp ráp xe gắn máy. Trong số này có 22 doanh nghiệp quốc doanh, 23 doanh nghiệp ngoài quốc doanh và 7 doanh nghiệp FDI.

Nếu quay ngược lại 8 năm về trước, thời điểm xe gắn máy của Trung Quốc ồ ạt nhập vào Việt Nam, các doanh nghiệp tham gia trong lĩnh vực này đã rất “hăng hái” xin giấy phép, hoạch định chiến lược sản xuất kinh doanh, vậy mà đến thời điểm này thì đã “xìu” một cách đáng kể.

Theo đánh giá gần đây của Bộ Công nghiệp, trong số các doanh nghiệp trên thì hiện chỉ còn 11 doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh, 24 doanh nghiệp khả năng cạnh tranh yếu và 10 doanh nghiệp trên bờ vực giải thể.

Từ thực tế này cho thấy, nếu mai đây, khi bước vào ngưỡng cửa hội nhập, rất có thể  ¾ số doanh nghiệp ngành công nghiệp xe máy của chúng ta phải từ giã “cuộc chơi”! 

Thời gian qua, Chính phủ đã rất ưu ái, đẩy mạnh nhiều biện pháp khuyến khích tạo đà cho các doanh nghiệp phát triển. Doanh nghiệp sản xuất xe máy trong nước phát triển là nhằm nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, giảm giá thành sản phẩm. Tuy nhiên, sau một thời gian dài, công nghệ xe máy trong nước vẫn chủ yếu là gia công, lắp ráp. Ngành công nghiệp sản xuất xe gắn máy vẫn ì ạch theo kiểu chạy theo những lợi nhuận trước mắt mà chưa tìm được một lối đi riêng trong chiến lược phát triển dài hơi.

Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất xe máy ở nước ta đang sử dụng 3 luồng công nghệ: công nghệ Nhật Bản (Honda, Yamaha, Suzuki); công nghệ Đài Loan (SYM); công nghệ Trung Quốc (Loncin, Lifan) trong đó công nghệ Trung Quốc thực tế đã trở nên nổi trội trong các dòng xe hiện tại. Tuy nhiên, nếu để phát triển bền vững, chúng ta cần phải có chiến lược  hội nhập.

  • Nên hiểu người tiêu dùng cần gì?
Cần một lối đi cho ngành xe máy ảnh 2

Sản phẩm xe máy tay ga hiệu Haesun đang được người tiêu dùng ưa chuộng.

Theo Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách công nghiệp - Bộ Công nghiệp. Đối với các loại xe dưới 175cc, giá thành thấp, thì từ nay đến 2020, Trung Quốc, Lào, Campuchia, châu Phi... là những thị trường tiềm năng.

Tuy nhiên, để xe máy Việt Nam có thể cạnh tranh về mọi mặt như giá cả, kiểu dáng mẫu mã, độ bền… là chuyện mà hầu như hiện nay các nhà sản xuất trong nước chưa tìm được chìa khóa.

Được biết, sản lượng sản xuất lắp ráp xe máy toàn ngành trong năm 2004 đạt khoảng 1,9 triệu chiếc. Khả năng này còn có thể phát triển mạnh hơn nữa. Tuy nhiên, vấn đề thị trường riêng cho xe máy Việt Nam vẫn chưa hề lộ rõ trong chiến lược phát triển.

Theo tính toán của các nhà chuyên môn, năm 2003, bình quân 7,1 người/xe và sẽ bão hòa khi tới mức 5-6 người/xe vào năm 2008, nếu tính riêng khu vực nông thôn thời điểm bão hòa sẽ vào năm 2011-2012.

Mặc dù vậy, nông thôn vẫn là thị trường rộng lớn đầy tiềm năng tiêu thụ các loại xe giá thấp 7-10 triệu đồng/xe, phù hợp với trình độ sản xuất hiện tại của các doanh nghiệp trong nước. Hiện tại, tỷ lệ nội địa hóa đã đạt hơn 80% và tới đây sẽ là 90%. Hãng Honda Việt Nam là nhà tiêu thụ tới 90% phụ tùng tại thị trường nội địa.

Chiến lược của tập đoàn này cũng đề cập tới việc khai thác triệt để yếu tố xe thông dụng tại các thị trường khu vực, Trung Á, châu Phi, Trung Mỹ, Nam Mỹ ngoài đáp ứng nhu cầu nội địa với các loại xe này. Tính toán là vậy, nhưng trên thực tế thì các loại xe tay ga do các hãng sản xuất nổi tiếng ở một số nước như Ý, Nhật… đã từng bước chiếm lĩnh được thị hiếu người tiêu dùng trong nước mặc dù giá rất cao. Xe gắn máy sản xuất trong nước tiêu thụ gần như cầm chừng trên thị trường nội địa.

Vì sao có thực tế trên? Có thể có trăm ngàn lý do để nói, tuy nhiên, trước một sân chơi mới cạnh  tranh đầy khốc liệt, các doanh nghiệp sản xuất xe máy trong nước không còn cách nào khác là phải chú trọng đến công nghệ và thị trường tiềm năng của riêng mình.

Doanh nghiệp trong nước phải đoàn kết lại, phải có tầm nhìn, phải hiểu người tiêu dùng cần cái gì chứ không phải nhà cung cấp có cái gì, để rồi cạnh tranh không lành mạnh, cản bước phát triển của ngành công nghiệp xe máy trong nước.

LÊ PHONG

Tin cùng chuyên mục