(SGGP).- Vừa qua, hội thảo “Hàng giả, hàng nhái và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” do Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM tổ chức đã diễn ra tại TPHCM. Đây là dịp để các DN cùng chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức và cùng các cơ quan chức năng tìm kiếm giải pháp tháo gỡ khó khăn đẩy lùi hàng giả, hàng nhái.
Theo ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM, hàng giả, hàng nhái đang phổ biến ở nhiều mặt hàng, từ những sản phẩm thông thường như quần áo, túi xách, xi măng, dây và cáp điện, hàng điện tử, điện máy, mỹ phẩm, đến các mặt hàng có liên quan trực tiếp đến sức khoẻ, tính mạng con người như thuốc tây, thực phẩm chức năng... Ngay cả “tem chống hàng giả” cũng bị làm giả, làm nhái. Đánh giá sơ bộ cho thấy, tỷ lệ hảng giả tại thị trường hiện chiếm khoảng 8% đối với dược phẩm, 25% đối với rượu mạnh… Tính chung trong năm 2014, cả nước đã phát hiện và xử lý 17.000 vụ sản xuất, kinh doanh hàng giả. Thời gian làm giả, làm nhái hiện nay nhanh hơn trước đây rất nhiều. Những năm trước, thông thường một sản phẩm mới xuất hiện, phải gần 1 năm sau mới có hàng giả, hàng nhái thì nay chỉ khoảng nửa tháng là DN phải đối mặt với tình trạng này, với thủ đoạn mới hơn, tinh vi và mang yếu tố nước ngoài nhiều hơn.
Số liệu từ Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TPHCM cho thấy, trong năm 2014, tại TPHCM đã xảy ra 1.426 tai nạn, sự cố liên quan đến cháy, nổ và cứu nạn, cứu hộ. Đối tượng cháy xảy ra nhiều nhất là nhà dân với 654 sự cố, chiếm tỷ lệ 50,54%. Nguyên nhân gây cháy chủ yếu là do điện chiếm khoảng 50%, trong số đó có 90% số vụ cháy, chập được xác định là do chất lượng dây điện kém vì sử dụng phải hàng giả, hàng nhái.
Hàng nhái, hàng giả không chỉ làm giảm về doanh số, thị phần, uy tín của DN mà còn gây thiệt hại trực tiếp đến tính mạng con người. Chỉ tính riêng Tập đoàn tôn Hoa Sen năm 2014 bị thiệt hại khoảng 118 tỷ đồng, tương đương 2,6% thị phần từ việc bị làm nhái, làm giả các sản phẩm của tập đoàn này. Riêng với các vụ cháy, nổ, thiệt hại không thể tính bằng tiền.
Trước thực trạng này, nhiều ý kiến cho rằng, về phía Nhà nước cần có biện pháp chế tài thật nặng đối với đối tượng vi phạm, có thể là phạt đến mức sạt nghiệp để họ từ bỏ ý định làm hàng gian, hàng giả. Cần tập huấn cho DN những kiến thức về quyền sở hữu trí tuệ để DN biết cách tự bảo vệ mình. Cần thiết quy định, kiểm soát các thông tin quảng cáo trên các phương tiện truyền thông, đặc biệt là trên các kênh truyền hình cáp nhằm tránh quảng cáo sai sự thật. Đối với DN, cần mạnh dạn báo các cơ quan chức năng về hiện tượng làm nhái, làm giả, có biện pháp phối hợp tốt giữa DN và các cơ quan để cung cấp đầy đủ thông tin, nhận diện tốt hơn về hàng giả, hàng nhái và hàng thật. Ngay sau khi sản xuất sản phẩm phải tiến hành đăng ký quyền sở hữu trí tuệ. Thông tin rộng rãi để người tiêu dùng nắm bắt tình hình và có cách nhận biết hàng thật - giả. Với người tiêu dùng, cần tìm hiểu rõ thông tin và nguồn gốc trước khi mua sản phẩm; cảnh giác với lời quảng cáo, khuyến mãi hấp dẫn; báo ngay cho cơ quan chức năng, DN khi có nghi vấn về hàng hóa.
HẢI HÀ