(SGGP).- Đây là kiến nghị của các chuyên gia tại diễn đàn “Hội nhập và sức mạnh hàng Việt” và lễ tôn vinh sản phẩm vàng - dịch vụ vàng vì cuộc sống Việt do Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa phối hợp cùng Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” vừa tổ chức. Theo đó, đối với từng nhóm hàng kinh doanh trên quầy kệ cần có quy định về tỷ lệ hàng Việt được sản xuất trong nước nhằm hỗ trợ, khuyến khích nền sản xuất phát triển. Để làm được việc này, các doanh nghiệp (DN) Việt cần nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua việc liên kết với nhau nhằm tạo sức mạnh “bó đũa”.
Một số ý kiến cũng cho rằng, với các DN bán lẻ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, khi vào Việt Nam thì trong cam kết đều có mục sẽ tạo điều kiện cho hàng Việt trên quầy kệ của siêu thị, cùng góp sức để thúc đẩy sản xuất. Tuy nhiên, sau vài năm kinh doanh, họ đã không thực hiện theo đúng cam kết, kể cả việc bày ván các mặt hàng nằm trong danh mục không được phân phối cũng đã bị phá vỡ. Trong khi đó, khâu hậu kiểm của chúng ta vẫn chưa được thực hiện mạnh mẽ nhằm đảm bảo đúng các cam kết của DN.
Ở kênh phân phối truyền thống, hàng Việt đang gặp nhiều khó khăn do phải cạnh tranh gay gắt với hàng nhập lậu, hàng không có nguồn gốc xuất xứ, hàng giá rẻ... Đại diện một DN sản xuất khóa hàng đầu Việt Nam cho biết, thông thường doanh thu hàng năm của công ty này tăng trưởng bình quân ở mức hơn 30%/năm. Nhưng 6 tháng đầu năm 2016 đã bị chựng lại, mức tăng trưởng chỉ đạt 16%. Nguyên nhân chính, khóa của công ty này đang bị cạnh tranh gay gắt với hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng. Nếu các cơ quan chức năng không tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường thì các DN sản xuất chân chính sẽ rất khó phát triển.
KIM CHUNG