Cần siết chặt quản lý thực phẩm chức năng

Những năm gần đây, thực phẩm chức năng phát triển nhanh chóng trên toàn thế giới. Sự phát hiện tác dụng sinh năng lượng và vai trò của các thành phần dinh dưỡng thiết yếu đã giúp loài người từng bước kiểm soát bệnh tật.

Sự phát triển của công nghệ chế biến thực phẩm giúp sản xuất nhiều loại thực phẩm chức năng cải thiện sức khỏe, nâng cao tuổi thọ, phòng ngừa các bệnh mãn tính, tăng cường chức năng sinh lý của các cơ quan cơ thể khi đã suy yếu… bằng việc bổ sung thêm các thành phần có lợi hoặc lấy ra bớt các thành phần bất lợi. Hay nói cách khác, người ta đã tạo ra nhiều loại thực phẩm chức năng theo những công thức nhất định phục vụ cho mục đích của con người.

Về kinh tế, thị trường thực phẩm chức năng là một trong những thị trường thực phẩm tăng trưởng nhanh, mạnh. Doanh thu toàn thế giới đạt 65.060 tỷ USD/năm. Ở Mỹ chiếm tới 1/3 thị trường thế giới (23.170 tỷ USD). Châu Âu đạt 19.920 tỷ USD, châu Á 6.150 tỷ USD, châu Úc 850 tỷ USD, châu Phi 370 tỷ USD. Nhật Bản đạt 10.360 tỷ USD, Canada 1.820 tỷ USD. Việt Nam tuy chưa có thống kê đầy đủ nhưng doanh thu của thực phẩm chức năng cũng chiếm một tỷ lệ đáng kể.

Như vậy, xét về mặt tích cực, rõ ràng thực phẩm chức năng cũng có tác dụng hữu hiệu đối với con người, xã hội nhưng do nguồn lợi nhuận không nhỏ mà nó đem lại khiến một số nhà kinh doanh cơ hội đã lợi dụng lòng tin của người tiêu dùng, quảng cáo thổi phồng chức năng của loại thực phẩm này gây nhầm lẫn, thậm chí là bất lợi cho người tiêu dùng. Nhiều người bán hàng đã quảng cáo sản phẩm của họ là… thuốc tiên, người lớn hay trẻ nhỏ đều có thể sử dụng.

 Vì là thực phẩm, nên mọi người có thể sử dụng thoải mái; thực phẩm chức năng có thể thay thế các thức phẩm khác, thậm chí là thay thế thuốc điều trị khiến không ít bệnh nhân tiền mất tật mang. Điều đáng chú ý là nhiều đơn vị kinh doanh thực phẩm chức năng lại kinh doanh theo hình thức bán hàng đa cấp hay qua mạng khiến thực phẩm chức năng càng biến tướng khiến dư luận không khỏi ngại ngùng khi “đụng chạm” tới nó.

Vì vậy, cần phải có quy định rõ ràng, đầy đủ hơn nữa về thực phẩm chức năng. Không chấp nhận việc công bố khả năng chữa trị bệnh của thực phẩm chức năng cũng như những thông tin không minh bạch rõ ràng dễ gây hiểu nhầm đối với người sử dụng. Mọi công bố về thực phẩm chức năng phải trung thực, rõ ràng, tránh nhầm lẫn. Các công bố về tác dụng chức năng của loại thực phẩm này và các thành phần của nó đã được xác nhận và công nhận rộng rãi, phải được cơ quan quản lý thừa nhận và được xác nhận trên nhãn… Nếu bệnh nhân muốn sử dụng những sản phẩm chức năng nên thông qua ý kiến bác sĩ hoặc được bác sĩ kê toa. Bên cạnh đó, cần bổ sung các quy định về những điều kiện cần thiết đối với hoạt động bán hàng đa cấp. Phải đưa ra được trách nhiệm của doanh nghiệp và xử lý nghiêm đối với doanh nghiệp và những người tham gia mạng lưới nhằm thu lợi bất chính hoặc gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

VINH NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục