Cần sự quyết tâm

Liên kết chuỗi trong cung ứng các mặt hàng thiết yếu, đồng thời thực hiện việc quản lý theo chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn là con đường tất yếu hướng đến sự phát triển bền vững trong sản xuất và phân phối. Đây cũng là biện pháp tốt nhất để loại trừ những yếu tố bất ổn về cung - cầu, giá cả, chất lượng hàng hóa nhằm ổn định thị trường, đảm bảo an sinh xã hội.

Theo Ban quản lý đề án “Chuỗi thực phẩm an toàn”, mục tiêu tổng quát của đề án đặt ra là nhằm đảm bảo sản phẩm động vật tiêu dùng nói riêng và các sản phẩm nông nghiệp đạt chất lượng về vệ sinh an toàn thực phẩm thì việc kiểm tra, kiểm soát từ gốc là điều kiện cần thiết, quá trình thực hiện các khâu từ chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển, bày bán và chế biến là một chuỗi sản xuất vô cùng quan trọng để có được sản phẩm đạt chất lượng, từng bước xây dựng thương hiệu cho nông sản, thực phẩm Việt Nam. Đến năm 2015, dự kiến sẽ có khoảng 50% tổng sản lượng nông sản, thực phẩm thuộc chuỗi thực phẩm an toàn tiêu thụ trên địa bàn TPHCM.

Phạm vi đối tượng của đề án gồm các cơ sở chăn nuôi, trồng trọt, đánh bắt, giết mổ, sơ chế, chế biến, kinh doanh thực phẩm có liên quan đến rau, củ, quả; thịt gia súc, gia cầm; trứng gia cầm; thủy hải sản hoạt động hợp pháp trên địa bàn TPHCM và cơ sở của các địa phương như: Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng, Long An, Tiền Giang, Trà Vinh, Cần Thơ, Đồng Tháp, Bến Tre cung cấp thực phẩm cho TPHCM.

Đề án cũng xác định rõ, bất kỳ khâu nào trong chuỗi thực phẩm không đảm bảo an toàn đều có nguy cơ dẫn đến không an toàn đối với thực phẩm người dân sử dụng. Do vậy, một chuỗi thực phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn khi sản phẩm lưu thông trên thị trường được quản lý chặt chẽ, chứng minh được nguồn gốc trong suốt quá trình từ lúc nuôi trồng, đánh bắt đến khi đưa vào sử dụng.

Tuy vậy, sau nhiều năm triển khai đề án, vấn đề quan ngại nhất của nhiều DN trong quá trình thực hiện chuỗi thực phẩm an toàn hiện nay, đó là việc liên kết của các cơ sở áp dụng quy trình này trong toàn bộ chuỗi giá trị ngành hàng (trang trại, cơ sở sản xuất, giết mổ, sơ chế, đóng gói, cơ sở kinh doanh) chưa được chặt chẽ. Khả năng liên kết chuỗi giữa cơ sở sản xuất và kênh phân phối (bán buôn, bán lẻ) còn hạn chế về khả năng cung ứng số lượng ổn định và sự đa dạng về chủng loại sản phẩm. Đó là chưa kể giá các mặt hàng an toàn luôn cao hơn so với những sản phẩm không được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng, sẽ là trở ngại lớn đối với DN. Trên thực tế, không phải người dân không có ý thức về an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng vì thu nhập còn thấp nên họ vẫn chọn sản phẩm rẻ tiền, dù biết sản phẩm đó không đảm bảo vệ sinh. Để giải quyết vấn đề này, bên cạnh việc nâng cao nhận thức của người dân qua việc giáo dục và tuyên truyền thì cần có những chính sách đồng bộ, thiết thực khác về lương bổng, việc làm… giúp họ nâng cao thu nhập. Cách làm này sẽ giúp người dân hưởng ứng và sẵn sàng mua những thực phẩm đảm bảo an toàn.

Nhiều nhận định cho rằng, TPHCM đã và đang hội đủ nhiều yếu tố cần và đủ để triển khai thực hiện thành công đề án. Sau thời gian triển khai thử nghiệm, đề án đã nhận được sự ủng hộ của nhiều DN đến từ nhiều tỉnh, thành đăng ký tham gia, nỗ lực cải thiện các điều kiện sản xuất kinh doanh, điều kiện quản lý theo chuỗi. Ngoài các mục tiêu phục vụ cho hoạt động quản lý và quyền lợi của người tiêu dùng trong việc đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với nông sản thực phẩm thì các cơ sở sản xuất. Kinh doanh thực phẩm có sản phẩm thuộc chuỗi sẽ được quảng bá thương hiệu, được hưởng các chính sách ưu đãi trong sản xuất, kinh doanh để phát triển thị phần tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, các tỉnh khi phối hợp với TPHCM xây dựng mô hình thí điểm sẽ nâng cao năng lực, kinh nghiệm trong công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm và chấn chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn các tỉnh. Cùng với đó là sự chỉ đạo nhất quán, quyết tâm thực hiện của lãnh đạo TPHCM thông qua việc xây dựng cơ sở pháp lý chuyên biệt cho quản lý theo chuỗi thực phẩm an toàn về quy chế quản lý, thành lập bộ máy quản lý, các chính sách hỗ trợ phát triển chuỗi cho từng loại cơ sở, từng nhóm mặt hàng…

Nhưng để đề án thành công trên nhiều phương diện, vẫn cần sự quyết tâm cao độ, cả trong quản lý điều hành, lẫn ý thức tham gia của các DN. Việc tăng cường kết nối giữa TPHCM và các tỉnh, thành có thế mạnh của từng ngành hàng cũng cần được chú trọng hơn nữa để có thể tạo thành những vùng chuyên canh với quy mô và sản lượng lớn cung cấp cho thị trường TP. Bằng không, đề án “Chuỗi thực phẩm an toàn” thực phẩm sẽ khó phát huy được mục tiêu tổng quát đã được đặt ra.

HẢI HÀ

Tin cùng chuyên mục