Những đợt gió mùa đông bắc đã bắt đầu liên tục ảnh hưởng tới nước ta khiến thời tiết trở nên lạnh hơn và kèm theo những cơn mưa nhỏ. Nhiệt độ giảm thấp, cùng độ ẩm tăng cao vào mùa đông xuân đang khiến các vi sinh vật, vi khuẩn gây hại phát triển mạnh gây ảnh hưởng tới sức khỏe người dân, nhất là trẻ nhỏ và người già. Các dịch bệnh lây truyền qua đường hô hấp, đường tiêu hóa, cùng với bệnh viêm phổi, viêm phế quản, sởi, rubella, cúm, tiêu chảy do Rotavirus, tay chân miệng có nguy cơ bùng phát cao...
Ảnh hưởng nhiều trẻ em, người già
Đầu giờ sáng, khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi Trung ương đã khá đông bệnh nhân. Trước phòng khám hô hấp là một dãy ghế có tới hơn chục bà mẹ đang ôm những đứa trẻ đùm đùm, bọc bọc trong những chiếc áo dày cộp chống lạnh, chờ tới lượt khám. Bác sĩ Cấn Phú Nhuận, Trưởng khoa Khám bệnh, BV Nhi Trung ương cho biết, gần đây khi thời tiết bắt đầu vào mùa lạnh, số lượng trẻ nhỏ ốm được gia đình đưa đến bệnh viện khám có chiều hướng tăng cao hơn trước. Trẻ đến khám phần lớn là bị ho, sốt, viêm phế quản, viêm phổi, tiêu chảy do virus. Đáng lo ngại là không ít trường hợp trẻ nhỏ bị biến chứng, viêm phế quản cấp, thậm chí là viêm phổi do trước đó gia đình đã tự ý cho trẻ dùng một số loại thuốc mà không có chỉ dẫn của bác sĩ.
Trời trở lạnh khiến nhiều người già đổ bệnh.
Không chỉ trẻ nhỏ mà thời tiết chuyển lạnh cũng ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe của người cao tuổi. Khoảng một tuần trở lại đây, lượng bệnh nhân là người cao tuổi tới các bệnh viện như: Lão khoa trung ương, Bạch Mai, Xanh Pôn, Hữu Nghị... cũng có chiều hướng tăng cao. BS Vũ Thị Thanh Huyền, Phó trưởng Khoa Khám bệnh, BV Lão khoa Trung ương cho biết, thời tiết lạnh, người cao tuổi thường mắc các bệnh về viêm nhiễm đường hô hấp, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính hay các bệnh liên quan đến tim mạch như tăng huyết áp, đột quỵ và xương khớp.
Chủ động phòng bệnh
Theo một số chuyên gia y tế, trong mùa đông xuân, người già và trẻ nhỏ là 2 đối tượng cần được quan tâm nhiều nhất tới việc giữ gìn sức khỏe. PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai cho biết, ở trẻ nhỏ, do trọng lượng cơ thể thấp, khả năng sinh nhiệt để duy trì nhiệt độ cơ thể cũng hạn chế nên càng dễ bị các biến chứng do nhiễm lạnh. Do đó khi trời lạnh nên hạn chế tối đa việc cho trẻ ra ngoài trời. Nếu bắt buộc phải ra ngoài, cần hết sức chú ý, cho mặc ấm, tránh gió thổi trực tiếp vào người. Ở trong nhà, cũng cần đóng kín các cửa, khe hở, tránh gió lùa. Tuy nhiên, cần lưu ý không nên giữ ấm quá mức. Ngoài ra, thời tiết mùa đông xuân cũng khiến cho trẻ dễ bị mắc các bệnh như sởi, tiêu chảy do rotavius, sốt virus. Vì vậy, cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay nếu trẻ bị sốt cao liên tục, li bì, nôn nhiều, đau đầu, co giật. Hơn nữa, các bậc phụ huynh cần lưu ý khi thấy trẻ có dấu hiệu bỏ ăn, bỏ bú, ngủ không yên giấc, thở khò khè, chảy nước mũi… cũng cần đưa trẻ đi khám ngay để tránh những biến chứng nặng về đường hô hấp. Cần lưu ý, khi trẻ bị sốt dịch, sốt virus chỉ nên dùng thuốc hạ sốt để tránh trẻ bị sốt cao dẫn đến co giật. Đồng thời chú ý bổ sung nước, dinh dưỡng hợp lý cho trẻ, tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc kháng sinh cho trẻ.
Đối với người cao tuổi để phòng tránh bệnh về đường hô hấp trong những ngày giá lạnh, mọi người nên chú ý giữ ấm cổ, chân, khi đi ra ngoài đường cần đeo khẩu trang. Đặc biệt, những người có thói quen tập thể dục buổi tối hay sáng sớm vẫn nên duy trì tập thể dục đều đặn nhưng phải mặc ấm khi ra đường và không nên ra đường quá sớm hay quá muộn để tránh nhiễm lạnh. Những người có bệnh mãn tính phải thường xuyên kiểm tra sức khỏe, đo huyết áp hàng ngày, chú ý luôn giữ ấm cơ thể, tránh nhiễm lạnh đột ngột. Đồng thời ăn uống đủ chất, giảm rượu bia, ăn nhạt… để tăng sức đề kháng, sinh hoạt điều độ, lựa chọn những thực phẩm giàu dinh dưỡng nhưng phải dễ tiêu hóa. Đặc biệt cần uống đủ nước từ 1,5 - 2 lít/ngày để quá trình chuyển hóa, trao đổi chất không bị ngưng trệ. Bởi lẽ người già thường bị giảm cảm giác khát nên nhiều khi cơ thể đã thiếu nước nghiêm trọng mà vẫn không có nhu cầu uống.
TRUNG KIÊN