Nhật ký bệnh viện

Cần thêm nhiều tấm lòng cao cả

Lần đầu tiên tại Bệnh viện Chợ Rẫy (BVCR), 4 bệnh nhân bị mắc bệnh thận mãn tính đã được ghép thận từ 2 bệnh nhân hiến tặng. Niềm vui và sự biết ơn không chỉ có 4 bệnh nhân được ghép thận, mà hơn thế nữa là hàng chục ngàn bệnh nhân mắc bệnh thận mãn cũng đang tràn đầy hy vọng. Lần đầu tiên kể từ khi có Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể và hiến, lấy xác năm 2006, nay tại BVCR đã có 2 người hiến thận. Thật đáng trân trọng biết bao, những người đã dám hy sinh một phần thân thể để mang sự sống cho bao người, dám hy sinh thân thể để đưa nền y học nước nhà sang trang mới.

Kể từ ca ghép thận đầu tiên được tiến hành cách đây 18 năm, đến nay Việt Nam mới chỉ thực hiện được gần 300 ca ghép thận. Trong đó, số ca ghép thận ngoài huyết thống đến nay vẫn chỉ… đếm được trên đầu ngón tay. Trong khi đó, hiện có khoảng gần 10.000 người suy thận mãn cần ghép thận.

Tâm sự của những người được ghép thận vừa qua, cũng là hy vọng của gần 10.000 bệnh nhân đang mong mỏi chờ được ghép thận: “Đúng vào lúc thập tử nhất sinh thì tôi được ghép thận và sức khỏe của tôi đã phục hồi rất nhanh. Quả thận trong người tôi không phải của người cùng huyết thống, tôi không thể diễn tả được sự xúc động của bản thân. Ân nhân của tôi, người tôi không hề biết mặt, cho tới giờ tôi cũng không biết họ là ai, ở đâu. Nhưng có một điều, gia đình tôi sẽ luôn biết ơn nghĩa cử cao đẹp đó. Cuộc sống của tôi có ý nghĩa hơn rất nhiều, vì giờ đây tôi không chỉ sống cho tôi mà còn sống cho ân nhân của mình. Người luôn bên tôi, luôn ở trong tôi”.

Một bệnh nhân khác tâm sự, được ghép thận không chỉ cứu sống anh mà còn cứu sống cả gia đình anh. Từ khi anh bị bệnh đến nay cả gia đình đều lâm vào cảnh túng quẫn. Bao nhiêu tiền tích góp được từ trước đến nay đều dồn để anh chữa bệnh. Việc học của 2 đứa con anh cũng gặp rất nhiều khó khăn, đã có lúc gia đình phải nghĩ đến việc cho con nghỉ học. “Quá may mắn cho tôi, xin được tri ân ngàn lần người đã cho tôi thận. Họ không chỉ cứu sống tôi mà đã cho con tôi một tương lai tươi sáng hơn” - bệnh nhân này tâm sự.

Con trai người hiến thận cho biết: “Mẹ tôi mất đi là một mất mát to lớn không thể nào bù đắp được. Thú thật, gia đình tôi cũng là người Việt Nam, cũng có suy nghĩ khi người thân mất đi thì thi thể phải được toàn vẹn. Nhưng tâm nguyện lúc còn sống của mẹ tôi là khi bà mất đi sẽ hiến tử thi cho khoa học hoặc hiến tạng để cứu người. Mẹ tôi nói: “Cứu một người còn hơn xây 7 tòa tháp”. Qua phương tiện truyền thông, cũng như những thông tin có được, tôi biết có hàng ngàn bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo cần được ghép tạng như tim, gan, giác mạc và đặc biệt là thận. Với suy nghĩ việc làm của mình sẽ cứu sống được người bệnh hoặc giúp cho họ cải thiện được chất lượng cuộc sống nên gia đình đã quyết định hiến tặng thận. Khi đưa ra quyết định này chúng tôi cũng gặp phải nhiều áp lực nhưng trên tất cả là tình thương, là sự nhân đạo. Khi còn sống mẹ tôi cũng thường hay làm từ thiện và tôi biết chắc chắn mẹ cũng sẽ đồng tình với chúng tôi”.

Được biết, mỗi ngày ở BVCR có khoảng trên dưới 10 ca chết não nhưng phải đến gần đây mới thực hiện được 4 ca ghép thận ngoài huyết thống. Mong rằng sau sự kiện này sẽ mở ra một trang mới cho việc hiến ghép tạng để cứu người. Ở Việt Nam, Luật Hiến, lấy ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác đã có hiệu lực và chuyên ngành ghép tạng cũng đã đáp ứng được yêu cầu thực hiện phẫu thuật lấy ghép. Tuy nhiên để làm được điều này không chỉ là những tiến bộ của y học mà còn phải trông chờ vào những tấm lòng cao cả của mọi người trong xã hội.

Thanh Lan

Tin cùng chuyên mục