Ngày 24-7, Hãng thông tấn AP công bố kết quả khảo sát rất bi quan với người Mỹ: tỷ lệ người nghèo nước này tăng lên mức cao nhất kể từ năm 1965. Kết quả điều tra dân số năm 2011, sẽ được công bố vào mùa thu tới, cho thấy tỷ lệ người nghèo ở Mỹ năm 2011 đã tăng vọt lên mức 15,7%, tương đương 47 triệu người so với mức 15,1% trong năm 2010 và vẫn đang đà tăng.
Chính phủ Mỹ định nghĩa nghèo trong năm 2010 là thu nhập hàng năm của một cá nhân khoảng 11.000 USD và 22.000 USD cho gia đình 4 người. Nếu thu nhập cao hơn không nhiều so với khoản đó nghĩa là cận nghèo. Vì thế, nếu gộp cả tỷ lệ lớn nhóm cận nghèo, đây quả là vấn đề rất lớn của Mỹ. Các chuyên gia nhận định tỷ lệ người nghèo ở Mỹ sẽ tiếp tục đà gia tăng đến năm 2014, dao động khoảng 16%. Hậu quả kéo dài của cuộc đại khủng hoảng kinh tế - tài chính năm 2008 cộng với tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao, nhất là ở các TP, là những nguyên nhân chủ yếu dẫn tới kết quả ảm đạm trên.
Thị trường lao động ì ạch đã làm sức mua ở Mỹ yếu đi. Nhu cầu tiêu thụ từ nhà cửa, xe cộ cho tới hàng hóa tiêu dùng đều giảm sút. Chính phủ Mỹ đã thông báo, doanh số bán lẻ trong tháng 6 giảm 0,5%. Sự suy thoái này tiếp tục kéo dài đến những tuần đầu quý 3, cho thấy kinh tế Mỹ trong 3 tháng liên tiếp không đảo chiều. Tình trạng trên, cộng với việc số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lại tăng mạnh từ đầu tháng 7, cũng đủ để hình dung ra toàn cảnh nền kinh tế lớn nhất thế giới là vẫn loay hoay tìm cách phục hồi nhưng đích đến ngày càng xa.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, thực trạng kinh tế Mỹ hiện nay đang theo đà đi xuống của kinh tế thế giới, hoặc nếu lạc quan hơn là đang tạm chững lại sau vài tháng đầu năm khả quan. Trong lịch sử hơn 100 năm qua, các bất ổn về kinh tế thường kéo dài trong khoảng 13 đến 17 năm trước khi có xu hướng đi lên dài hạn. Và xu hướng suy giảm của kinh tế Mỹ đã nhen nhóm từ năm 2000, do đó, nếu theo đúng quy luật, cần phải mất ít nhất 5 năm nữa để kinh tế Mỹ có thể thực sự đi lên.
Thực trạng trên đã khiến nhiều nhà đầu tư đoán chắc rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ sớm phải tung ra gói nới lỏng định lượng mới (QE3) để kích thích kinh tế nước này tăng trưởng. Đây cũng là điều mong đợi từ lâu nay của giới đầu tư. Sở dĩ họ tin chắc điều này là bởi triển vọng của kinh tế toàn cầu đang rất u ám. Đầu tháng 7, hàng loạt ngân hàng trung ương trên thế giới, từ châu Âu cho tới Trung Quốc, Brazil đã phải cắt giảm lãi suất cơ bản để thúc đẩy kinh tế trong nước tăng trưởng. Ngoài ra, khảo sát của Reuters công bố tuần trước cho thấy khả năng FED mua trái phiếu hiện ở mức 50%, tăng từ mức 45% trong tháng 6. Chủ tịch FED Ben Bernanke mới đây cũng đã phát biểu với các nhà lập pháp Mỹ rằng Ngân hàng Trung ương Mỹ đang theo dõi thị trường lao động một cách chặt chẽ và sẽ có hành động bổ sung để thúc đẩy sự phục hồi nếu điều đó là cần thiết.
THANH HẢI